Quyển sách Bí quyết học nhanh nhớ lâu là những bí quyết đơn thuần giúp bạn ghi nhớ lâu hơn, khai thác nhiều hơn tiềm năng não bộ của mình.
Nói một cách đơn giản, não trái đảm nhiệm việc tư duy, phân tích và não phải nhận thức về không gian, sáng tạo. Bạn sẽ không thể nhớ lâu hay học nhanh nếu không biết kết hợp cả hai bán cầu não này. Đó chính là một trong những bí quyết để bạn có thể ghi nhớ tốt hơn.
Jonathan Hancock – người hai lần đạt kỷ lục Guinness và là cựu vô địch thế giới về Trí nhớ đã tiết lộ trong quyển sách “Bí quyết học nhanh nhớ lâu” của mình lời giải đáp cho câu hỏi: “Vì sao có nhiều người có thể vừa học đã nhớ và nhớ rất lâu, nhưng ngược lại cũng có những người dù học thế nào cũng không thể nhớ hết các kiến thức, đến khi nhớ rồi thì cũng rất nhanh quên đi.”
Quyển sách không chỉ là những bí quyết đơn thuần giúp bạn ghi nhớ lâu hơn mà còn là cách để bạn có thể khai thác nhiều hơn tiềm năng não bộ của mình. Ngoài ra, nó còn cung cấp những thông tin tổng quát để bạn có thể hiểu hơn về bộ não và gợi ý thêm vài phương pháp hay kỹ năng để bạn có thể xem xét chọn lựa cái nào phù hợp với mình nhằm đạt được hiệu quả ghi nhớ tốt nhất.
Những người mà bạn cho là thiên tài, có khả năng học rất nhanh và ghi nhớ rất tốt, vốn dĩ không phải do họ có năng lực đặc biệt mà bởi họ biết cách kết hợp rất tốt não trái, não phải để tiếp nhận và ghi nhớ thông tin. Và giờ đây những phương thức luyện tập để có khả năng đó đều được cô đọng gói gọn trong quyển sách này. Bạn hoàn toàn có thể tập áp dụng chúng qua những bài tập được tác giả đưa ra trong sách. Qua quá trình chăm chỉ luyện tập thì dần dần những kỹ năng đó sẽ trở thành thói quen mỗi khi bạn cần tiếp nhận thông tin mới.
Quyển sách này cung cấp những kỹ năng và cách thức để giúp bạn có thể sử dụng đồng thời cả não trái và não phải. Thay đổi cách bạn tư duy và giúp bạn có thể đạt được những kết quả như mong đợi.
Có một sự thật rằng không ai là người đặc biệt có trí nhớ “tốt” hay “tệ”, mọi sự đánh giá giữa người này với người kia đều khập khiễng và mang tính chất tương đối bởi vốn dĩ có người thiên về sử dụng não trái, có người lại thiên về não phải. Bộ não của bất kỳ ai từ khi được sinh ra đều mang những khả năng kỳ diệu, nếu bạn biết cách để khai thác và luyện tập nhuần nhuyễn thì bạn cũng có thể trở thành một “thiên tài” trong việc học nhanh nhớ lâu.
Xem thêm
Jonathan Hancock tốt nghiệp trường đại học Oxford và là một chuyên gia về kỹ thuật ghi nhớ. Ông nổi tiếng với khả năng ghi nhớ ấn tượng và là người phá vỡ kỷ lục thế giới lần hai của Giải vô địch trí World Memory Champion. Hancock cũng là giảng viên và diễn giả, chia sẻ kiến thức về cách tối ưu hóa khả năng học tập và ghi nhớ.
Trong chương một, tác giả sử dụng kiến thức khoa học về não bộ để giúp chúng ta hiểu rõ cách trí óc hoạt động và ghi nhớ thông tin. Bộ não chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, hay còn gọi là nơ-ron, mỗi tế bào liên kết với khoảng 7.000 tế bào khác. Bộ não hoạt động liên tục, tiếp nhận và cập nhật thông tin mới, cho thấy rằng việc học hỏi là sự phối hợp của nhiều kỹ năng trí não, từ tiếp thu thông tin đến ghi nhớ và hồi tưởng, mà chúng ta cần vận dụng trong từng tình huống suốt đời. Những kiến thức hiện có của bạn là kết quả của quá trình học tự nhiên và có chủ đích trong suốt thời gian trưởng thành. Khi trưởng thành, bạn càng có khả năng chủ động trong việc chọn lọc những gì cần học. Tác giả nhấn mạnh rằng “những kỹ năng học tập hiệu quả nhất đều dựa trên nền tảng khả năng tiếp thu bẩm sinh của trí não”, vì vậy đừng xem nhẹ quá trình học theo bản năng của mình.
Quá trình hình thành trí nhớ được chia làm bốn giai đoạn chính: thu thập, chọn lọc, lưu trữ, thu hồi. Não trái và não phải là hai phần cấu tạo nên bộ phận vỏ não của bộ não con người. Não trái đảm nhiệm các chức năng: Ngôn ngữ - Logic - Số học – Tư duy dạng chuỗi – Hàng lối – Phân tích – Danh sách. Não phải đảm nhiệm các chức năng: Nhiệp điệu – Không gian - Nhận thức – Kích cỡ - Tưởng tượng – Màu sắc – Tính tổng thể. Để trở thành một người có khả năng tư duy tốt, tác giả khuyên chúng ta cần luyện tập đồng thời cả hai bán cầu não. Bởi vì mọi chức năng của một bên bán cầu đều có sự liên quan mật thiết tới hoạt động của bán cầu não còn lại. Tất cả các phương pháp ghi nhớ hiệu quả nhất đều dựa trên nguyên tắc: phối hợp hai bán cầu não.
Trong chương hai của cuốn sách, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của các giác quan và trí tưởng tượng trong việc ghi nhớ thông tin. Ông giải thích rằng việc kết hợp cảm xúc mạnh mẽ với thông tin sẽ giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn. Khi sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra những hình ảnh sống động và phong phú, khả năng ghi nhớ sẽ trở nên rõ ràng và bền vững hơn. Việc tạo ra những ký ức đa giác quan không chỉ giúp chúng ta ghi nhớ lâu dài mà còn làm cho quá trình học tập trở nên thú vị và hiệu quả hơn.
Chương ba nói rằng sức khỏe thể chất có tác động lớn đến khả năng ghi nhớ. Tác giả giải thích rằng một cơ thể khỏe mạnh, bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn và giấc ngủ đủ, sẽ giúp cải thiện chức năng não bộ. Những yếu tố này không chỉ hỗ trợ sự tập trung mà còn tăng cường khả năng tiếp thu và lưu giữ thông tin.
Chương bốn của cuốn sách trình bày bốn kỹ năng thiết yếu giúp cải thiện khả năng ghi nhớ: tập trung, tổ chức, hình dung và tượng tượng. Đây là phần quan trọng nhất chỉ bạn cách rèn luyện các kỹ năng ghi nhớ và chứa các bài luyện tập của tác giả. Đầu tiên, kỹ năng tập trung có thể được rèn luyện qua các phương pháp như: đọc ngược và đọc xuôi để tăng cường sự chú ý, sử dụng đồng hồ trí nhớ để dự đoán chính xác một phút, và áp dụng kỹ thuật "lấy cuối làm đầu," trong đó mỗi từ bắt đầu bằng ký tự cuối cùng của từ trước đó. Tiếp theo, kỹ năng tổ chức bao gồm việc tìm kiếm quy luật trong thông tin thông qua việc phân tích chữ và số, tái thiết lập thông tin theo cách dễ nhớ hơn, và phân loại các thông tin thành từng nhóm để dễ tập trung hơn. Về kỹ năng hình dung, người học được khuyến khích thực hành mường tượng chi tiết về những thông tin quen thuộc và tạo ra một ngăn chứa ảo trong tâm trí để “chứa” hình ảnh đại diện cho các thông tin cần ghi nhớ. Cuối cùng, kỹ năng tượng tượng có thể được phát triển thông qua việc chuyển hóa các dữ kiện thành hình ảnh sinh động, thử thách cảm giác bằng cách liên kết các giác quan với thông tin và tạo dựng một câu chuyện hài hước về những gì cần ghi nhớ để làm cho chúng dễ nhớ hơn. Việc rèn luyện đồng thời bốn kỹ năng này không chỉ giúp cải thiện khả năng ghi nhớ mà còn tối ưu hóa tiềm năng tư duy của não bộ.
Chương năm, tác giả giới thiệu một số phương pháp ghi nhớ hiệu quả. Đầu tiên, ghi nhớ bằng cách kể chuyện là một kỹ thuật mạnh mẽ, giúp thông tin trở nên sinh động và dễ nhớ hơn thông qua việc tạo ra một câu chuyện liên kết các ý tưởng lại với nhau. Tiếp theo, trí nhớ hành trình khai thác mối liên hệ giữa vị trí địa lý và khả năng ghi nhớ. Bằng cách hình dung một hành trình quen thuộc và gắn thông tin với từng điểm dừng trên con đường đó, người học có thể dễ dàng nhớ lại các thông tin khi quay lại những hình ảnh này. Cuối cùng, hệ thống vần số đơn giản nhưng hiệu quả, trong đó mỗi số từ 1 đến 10 được gán với một hình ảnh tượng trưng dựa trên âm điệu của chữ số, giúp tạo ra những liên tưởng dễ nhớ hơn. Ngoài ra, phương pháp học nhóm và nhớ mặt đặt tên khuyến khích việc ghi nhớ thông tin thông qua sự tương tác xã hội, giúp tăng cường khả năng ghi nhớ thông qua mối liên kết cá nhân. Những phương pháp này của Jonathan Hancock không chỉ giúp cải thiện khả năng ghi nhớ mà còn tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị và hiệu quả hơn.
Chương sáu là chương mà tác giả dùng để kết luận, tổng hợp ngắn gọn những điều cần ưu tiên cho kế hoạch tập và thi cử. Đầu tiên, sức khỏe thể chất là điều cần chú ý, vì “thể chất tráng kiện, trí óc minh mẫn” và bạn nên tận dụng trí tưởng tưởng đã được rèn luyện của bạn để tạo nên “ký ức thành công”. Thứ hai là tạo không gian thích hợp cho việc học tập và ghi nhớ và loại bỏ các kẻ thù gây xao nhãng - nhất là điện thoại. Thứ ba, không ngừng ôn luyện bằng cách tự kiểm tra và chất vấn kiến thức, tập trung vào quá trình gợi nhớ và liên kết thông tin. Thứ tư là hãy học đa tầng, hãy thu nhặt và trao dồi thêm những hiểu biết, làm như vậy là để kết hợp những tầng ghi nhớ phức tạp với cách học “bề mặt”. Thứ năm, chia nhỏ thời gian học thành những đợt ngắn hơn để giảm thiểu xao nhãng và cảm giác chán nản. Thứ sáu, tác giả nhấn mạnh rằng “thay đổi cách học – thay đổi kết quả”, hãy thử tư duy bằng hình ảnh và tạo ra một “căn phòng” chứa danh sách những việc cần làm, đồng thời xử lý các trở ngại tâm lý. Cuối cùng, tác giả chia sẻ mẹo giữ bình tĩnh và tự tin, cùng những cách tạo cú hích cuối cùng trước kỳ thi, kết nối mọi “tài sản ký ức” và tái tổ chức trí nhớ của bạn.
Mình thấy cuốn sách “Bí Quyết Học Nhanh Nhớ Lâu” của Jonathan Hancock thực sự là một tài liệu hữu ích cho những ai muốn cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ. Tác giả không chỉ cung cấp những phương pháp học tập hiệu quả mà còn giải thích rõ ràng về các chức năng của não bộ, từ đó giúp người đọc hiểu được cách mà não trái và não phải hoạt động. Điểm mạnh của cuốn sách là cách trình bày logic, dễ hiểu, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Hancock cũng đưa ra nhiều kỹ thuật ghi nhớ sáng tạo, từ cách sử dụng hình ảnh đến các phương pháp liên kết thông tin, giúp tăng cường khả năng ghi nhớ lâu dài. Ngoài ra, cuốn sách còn giúp bạn nhận thức được sự quan trọng của việc rèn luyện trí não và cách thức tạo ra môi trường học tập tối ưu. Nếu bạn đang tìm kiếm những chiến lược học tập mới mẻ và hiệu quả, đây chắc chắn là một cuốn sách đáng đọc!