Dù hiện tại, thị trường sách văn học thiếu nhi có rất nhiều tác giả, tác phẩm mới ra đời. Nhưng tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn xứng đáng là cây đại thụ của thể loại văn học thiếu nhi Việt Nam. Tôi tin rằng, hình ảnh cô bé Tài Khôn và anh bạn tên Thường với chùm bóng bay đầy màu sắc đã trở thành một phần kỉ niệm với những bạn đọc yêu thích văn chương. “Bong bóng lên trời” vẫn sống mãi trong tâm trí chúng ta như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, như khát vọng bay cao, bay xa của rất nhiều trái tim thơ trẻ…
“Bong bóng lên trời” là một trong những tập truyện dài tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cũng như hàng loạt tựa sách best seller trước đây, “Bong bóng lên trời” cũng nhanh chóng trở thành cái tên nổi bật trong thị trường xuất bản và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự dẫn dắt của đạo diễn Trọng Trinh.
Nội dung cuốn sách kể về câu chuyện của cậu học trò nhỏ tên Thường. Cha cậu đã sớm qua đời sau một tai nạn giao thông khi ra tay trượng nghĩa đuổi bắt cướp. Một mình mẹ cậu phải gồng gánh với căn bệnh viêm phế quản và mối lo kinh tế gia đình. Đồng lương giáo viên eo hẹp, sự ra đi của người chồng đoản mệnh lại càng khiến gia cảnh mẹ con Thường rơi vào khó khăn. Để giúp mẹ, Thường phải nói dối đi dạy kèm nhưng thực chất đó là những ngày cậu lăn lộn ngược xuôi với xe kẹo kéo. Chính khoảng thời gian sống quăng quật giữa chợ đời, cũng là lúc Thường gặp gỡ những kiếp người nghèo khó. Cậu bé học trò đã ngộ ra rất nhiều điều mà trường lớp, thầy cô chẳng thể nào dạy dỗ. Trong số những mảnh đời lấm lem cơ cực ấy, người ảnh hưởng đến Thường nhiều nhất có lẽ là cô bé bán bong bóng Tài Khôn. Tình bạn trong sáng dễ thương giữa Thường và cô bé Tài Khôn chính là điểm sáng cho toàn câu chuyện. Ở nơi góc chợ ồn ào hôi hám vẫn có những tâm hồn thánh thiện biết bao nhiêu. Đó là hai đứa trẻ nghèo về vật chất nhưng luôn sống rộng lượng, tha thiết với cuộc đời. Luôn an ủi nhau vượt qua mặc cảm đói nghèo để nuôi dưỡng ước mơ, chúng không mơ về những thứ xa xỉ phồn hoa, nhưng trong trái tim non nớt của hai đứa trẻ ngây thơ, chúng vẫn ước mong nhất định phải trở thành người tử tế.
Có thể nói, tập truyện “Bong bóng lên trời” chính là một trong những cuốn sách tiêu biểu mà ở đó phong cách văn chương Nguyễn Nhật Ánh có cơ hội thăng hoa đến đỉnh cao. Từng câu chuyện nho nhỏ, từng lời văn trong sáng của ông đã nhẹ nhàng chạm đến trái tim người đọc. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã giúp chúng ta tin hơn vào những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đâu đó trong nhịp sống hối hả này, vẫn tồn tại những tấm lòng cao cả như cha cậu bé Thường xả thân bắt cướp. Như cô bé Tài Khôn hồn nhiên tốt bụng, như cậu học trò nghèo biết thương yêu hiếu thảo với mẹ như Thường.
Cùng khai thác về đề tài cuộc sống của tầng lớp bình dân trong xã hội đương thời. Nhưng khác với những nhà văn theo đuổi chủ nghĩa hiện thực phê phán họ thường phơi bày thực trạng xã hội bằng cái nhìn sắc sảo, khách quan. Nhưng với “Bong bóng lên trời” Nguyễn Nhật Ánh đã lột tả một khía cạnh hoàn toàn khác đầy tính nhân văn. Hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống chỉ là bức phông nền để từ đó nhân cách con người hiện lên trong sáng và cao đẹp. Ông tập trung khai thác những điểm sáng tiềm ẩn trong bản ngã của mỗi cá nhân, dù nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh đôi khi khiến họ trở nên xù xì gai góc, nhưng cốt cách cao thượng của những con người tự trọng và tử tế sẽ không bao giờ thay đổi, như hoa sen vẫn tỏa hương khoe sắc giữa đầm lầy. Bởi vậy, chúng ta so sánh “Bong bóng lên trời” giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường chính vì lẽ ấy. Đây thực sự là một câu chuyện đẹp, từ lời văn đến cốt truyện, từ nhân vật đến cách khắc họa nội dung. Như dòng suối mát lành, giúp ta gột rửa đi những bụi bặm mệt nhoài của hiện thực cuộc sống đầy rẫy bon chen, tàn khốc.
Nhan đề cuốn sách “Bong bóng lên trời” cũng là một tình tiết mà tôi cho rằng ý nghĩa nhất, đặc sắc nhất trong toàn câu chuyện. Đó là một ngày mưa lạnh lẽo, khi Thường buồn bã trở về với xe kẹo ế, cô bé Tài Khôn đã mỉm cười an ủi anh bạn bằng cách thả bay chùm bong bóng lên trời. Hình ảnh chùm bong bóng bay cao vút giữa không gian như mang theo cả khát vọng, ước mơ của hai đứa trẻ. Dù nghịch cảnh cuộc sống tàn khốc thế nào, vẫn không ngăn được khát khao sống mãnh liệt trong những tâm hồn cao thượng ấy. Đó là niềm ước mơ về một tương lai tươi sáng, xóa tan đi khoảng thời gian ảm đạm tối tăm này.
Dù là một cuốn sách mang tính giáo dục rất nhân văn, nhưng cho đến khi khép lại trang cuối của “Bong bóng lên trời” người đọc không hề cảm thấy khiên cưỡng hay gượng ép. Qua cách dẫn dắt tài tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những thông điệp sâu sắc, những tư tưởng đầy tính nhân văn cứ chầm chậm hiện lên qua từng câu chữ. Nhẹ nhàng mà thấm thía, chân thực và quá đỗi tự nhiên. Cùng với đó là giọng văn trong sáng, hài hước, nhẹ nhàng. Lối viết dung dị nhưng vô cùng lôi cuốn, cách miêu tả cảnh vật và con người sống động, giàu hình ảnh, đặc biệt là cách chọn lọc những tình tiết đắt giá để truyền tải những thông điệp mang nhiều ý nghĩa. Tất cả đã tạo nên thành công vang dội của “Bong bóng lên trời” và khẳng định vị trí, tài năng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong lòng độc giả.
Dù hiện tại, thị trường sách văn học thiếu nhi có rất nhiều tác giả, tác phẩm mới ra đời. Nhưng tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn xứng đáng là cây đại thụ của thể loại văn học thiếu nhi Việt Nam. Tôi tin rằng, hình ảnh cô bé Tài Khôn và anh bạn tên Thường với chùm bóng bay đầy màu sắc đã trở thành một phần kỉ niệm với những bạn đọc yêu thích văn chương. “Bong bóng lên trời” vẫn sống mãi trong tâm trí chúng ta như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, như khát vọng bay cao, bay xa của rất nhiều trái tim thơ trẻ.
Nguồn: https://goo.gl/CWFg7B
------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Cuốn sách được Nguyễn Nhật Ánh viết trong bối cảnh xã hội Việt Nam sau chiến tranh, khi đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế. Tác phẩm phản ánh cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo ở các đô thị, nơi trẻ em phải sớm bươn chải để kiếm sống.
Thời đại trong truyện thể hiện một giai đoạn chuyển tiếp, khi người dân cố gắng vươn lên từ những mất mát và thiếu thốn. Chợ đời nhộn nhịp là nơi diễn ra các hoạt động sinh kế nhưng cũng là nơi ẩn chứa những câu chuyện buồn vui. Qua đó, Nguyễn Nhật Ánh làm nổi bật tình người, tình bạn, và khát vọng đổi đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt.