Đắc Nhân Tâm đã trở thành cuốn cẩm nang kinh điển về thu phục lòng người trong giao tiếp xã hội. Ra đời trong bối cảnh năm 1937, cuốn sách vẫn có thể áp dụng đến ngày nay, bởi nó là kinh nghiệm dựa trên những quan sát, đánh giá của tác giả về tâm lý con người. Cuốn cẩm nang dù có bao lần tái bản, phiên bản hiệu chỉnh được phát hành năm 2018 của nhà sách Nhã Nam vẫn đáng để thưởng thức vì những giá trị vượt thời gian và vì cả sự “mài sắc và tinh chỉnh” một tác phẩm vốn đã rất thành công.


1. Về tác giả Dale Carnegie:


Dale Breckenridge Carnegie (1888 - 1945) là một nhà vănnhà thuyết trình Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hàng, huấn luyện đoàn thể, nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Ra đời trong cảnh nghèo đói tại một trang trại ở Missouri, ông là tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm, được xuất bản lần đầu năm 1936, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay. Ông cũng viết một cuốn tiểu sử Abraham Lincoln, với tựa đề Lincoln con người chưa biết, và nhiều cuốn sách khác.

Những cuốn sách dạy thuật làm người, kĩ năng sống của ông đã mang đến cho nhà văn danh hiệu “nhà thành công học”. Cả sự nghiệp, Dale luôn trăn trở đi tìm bí quyết của thành công và không ngần ngại chia sẻ bằng cả việc cầm bút và giảng dạy cho tất cả mọi người những kĩ năng để có một cuộc sống dễ dàng nhất.



Dù không tin vào việc một thành công vật lý nên là đích đến cuối cùng của một đời người, là động lực chính để ai đó hành động, thì tôi cũng không thể phủ nhận được những điều bạn có thể học từ các cuốn sách của ông. Có thể với chúng ta những kĩ năng mà ông muốn truyền bá không có gì mới lạ nhưng việc một người vào những năm 30 của thế kỉ trước đã coi trọng kĩ năng thuyết trình, khích lệ thay vì chỉ trích,... đã tạo ra một cuộc cách mạng về suy nghĩ của xã hội về cách để thành công.


2. Điểm mới của bản hiệu chỉnh:


Đắc nhân tâm là cuốn sách kinh điển của dòng sách dạy kĩ năng sống, luôn nằm trong top bán chạy nhất toàn thế giới. Đây là cuốn sách phải nói là được viết cực khéo bởi một chuyên gia tâm lý, một nhà ngoại giao, một giảng viên và một nhà chính trị. Chắc chắn nếu bạn hành xử đúng như nó chỉ dẫn, thì bạn sẽ đạt được rất nhiều thành công trong giao tiếp, trong cuộc sống hay công việc làm ăn. Các chỉ dẫn trong sách đều cực kỳ hiệu quả trong đời sống thường nhật, như cách chuyển hóa người khác mà không gây chống đối hay oán giận, khơi gợi cho họ làm điều mình muốn họ làm, cách để nuôi dưỡng lòng tự tôn của người khác …

Trước những phiên bản cũ vốn đã hoàn chỉnh cả về mặt nội dung và dịch thuật liệu phiên bản mới này có gì đặc biệt hơn?


Thứ nhất, đây là bản hiệu chỉnh do chính vợ của Dale Carnegie - Dorothy Carnegie chắp bút. Là người gần gũi nhất với tác giả, lại ở bên cuốn sách từ ngày hoài thai ý tưởng đến lúc trở thành hiện tượng được cả xã hội đón chờ, Dorothy hiểu rõ tầm vóc của tác phẩm và cũng hiểu cả những điểm còn chưa hoàn hảo của nó. Không hề có sự chỉnh sửa nào về thông điệp tác giả muốn gửi gắm, bà chỉ chỉnh sửa lại những ví dụ minh hoạ cho phù hợp hơn với thế hệ mới.


Nhiều tên tuổi của những nhân vật trong cuốn sách, vốn nổi tiếng ở lần xuất bản đầu tiên, không còn được nhiều độc giả của ngày hôm nay biết đến. Một số ví dụ và cụm từ nhất định có vẻ kỳ cục và lạc hậu trong bầu không khí xã hội của chúng ta, chẳng khác gì ngôn từ của tiểu thuyết thời Victoria


Thứ hai, Đắc Nhân Tâm vốn đã gắn liền với tên tuổi của nhà dịch thuật Nguyễn Hiến Lê, nhưng ở phiên bản lần này là một nhà dịch thuật mới Phan Linh Lan. Bản dịch này đảm bảo sẽ thổi một luồng gió mới vào những gì bạn đã rất quen thân.



Cuối cùng, cũng là điểm tôi đánh giá cao nhất ở cuốn sách lần này đó là sơ đồ tư duy đi kèm để tóm tắt nội dung cuốn sách. Bắt mắt, dễ hiểu và vô cùng ngắn gọn, chiếc sơ đồ này đặc biệt hiệu quả khi bạn cần một cái nhìn tổng quát về cả cuốn sách này. Nếu ngày mai bạn có một buổi phỏng vấn, bạn đi làm lần đầu tiên hay có một buổi họp quan trọng, vài phút nhìn lại chiếc sơ đồ tư duy này sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tinh thần và thái độ nhanh chóng và phù hợp nhất.


Về nội dung chính của cuốn sách thì không thể không ca ngợi cái tài của dịch giả Nguyễn Hiến Lê khi khái quát và truyền tải nội dung cuốn sách qua ba chữ ngắn gọn mà có sức gợi to lớn: Đắc Nhân Tâm. Ở bạn dịch này, Phong Linh Lan cũng tiếp thu cái tên gọi vốn đã vô cùng xuất sắc trong lòng độc giả ấy. Đây là cuốn sách dạy bạn cách thu phục lòng người, giá trị và lợi ích của việc đó nhưng không phải chỉ liệt kê những công thức khô khan, nó như một cuốn tâm lý học thường thức mà tôi và bạn đều có thể soi mình vào trong đó. Nó đánh trúng vào tâm lý chúng ta, đáp ứng những nhu cầu vô thức nhất, và nếu ai đó thành thạo được việc sử dụng các quy tắc này đảm bảo sẽ có một đời sống xã hội thành công. Những nguyên tắc mà Dale đề ra là những kĩ năng sống có thể rèn luyện, hợp tình hợp lí và văn minh, tinh tế, đó là cách sử dụng từ ngữ để xoa dịu những cơn thịnh nộ, cách tươi cười, vui vẻ sẽ làm mọi việc dễ dàng hơn, cách công nhận và thứ tha thay vì chỉ trích, cáu giận người khác. Đó là những “chiêu trò” mà mỗi chúng ta dù có biết mình bị “giăng bẫy” vẫn tình nguyện rơi vào. Ai đó có thể nói, những kĩ năng này đã lỗi thời, nhưng những cái căn nguyên tinh thần của các nguyên tắc thì vẫn còn đó, vẫn đúng và đang chờ các bạn trẻ tìm những cách ứng dụng sáng tạo, khéo léo và phù hợp với thời đại và văn hoá hơn.


3. Cuốn sách dạy cách thu phục lòng người:


Đắc Nhân Tâm sẽ dạy bạn cách cư xử và giao tiếp với mọi người để đạt được thành công trong cuộc sống. Nếu bạn muốn tránh những hiểu lần không đáng có trong giao tiếp, trở nên tinh tế với cảm xúc của người khác cũng như có cách ứng xử hiệu quả nhất trong mọi tình huống. Bạn có muốn trở thành một vị sếp được lòng nhân viên, một người bạn tâm lý, một lãnh đạo thấu lòng người, một người đối ngoại thành công? Không chỉ là những chỉ dẫn chung chung, Đắc Nhân Tâm rất cụ thể và chi tiết từ cách để gây thiện cảm, cách để dẫn dắt người khác làm theo ý mình, cách dẫn đạo người, … nhưng mọi quy tắc đều được Dale nhấn mạnh nó phải xuất phát từ một thiện chí và sự chân thành. Những hướng dẫn chi tiết này đã trở thành hiện tượng những năm 30 thế kỉ trước vì sự chính xác và phù hợp nó, đến nay, vì những đặc trưng thời đại khác biệt nên có nhiều tiểu tiết không áp dụng được cứng nhắc. Tuy vậy, tư tưởng cốt lõi mà Dale muốn truyền bá vẫn có giá trị với ai muốn nắm được lòng người. Nhờ vào những kiến thức về tâm lý học đời sống và kinh nghiệm đúc rút từ khả năng quan sát, Dale sẽ chỉ cho bạn thất cách để làm cho những người xung quanh bạn sung sướng là chuyện dễ dàng.

Trong cuốn sách có rất nhiều những bài học dạy cách ứng xử hay và bổ ích. Có những bài học đơn giản, dễ thực hiện nhưng cũng có những bài học khá là khó để thực hiện được. Nhưng theo mình thì dễ hay khó là do chính việc thực hành của bạn nên hãy cố gắng vận dụng những bài học này vào cuộc sống và luôn nhớ là bạn phải kiên trì và dành thời gian cho nó.

Khi đọc hãy để một cây bút chì, bút sáp, bút bi, bút đánh dấu hoặc bút màu trong tầm tay. Khi đọc đến một gợi ý mà bạn cảm thấy mình có thể sử dụng, vạch một đường ở bên lề, ngay cạnh ý ấy. Nếu đó là một gợi ý chất lượng bốn sao, gạch chân mỗi ý hoặc đánh dấu nó bằng highlight hoặc **** bên cạnh. Đánh dấu hay gạch chân các đoạn văn trong sách sẽ khiến cuốn sách trở nên thú vị và đáng để xem lại hơn.

Đắc Nhân Tâm coi giao tiếp là một nghệ thuật và người giao tiếp căn bản là một người nghệ sĩ tinh tế trong từng hành động. Chính điều này có thể làm ai đó chỉ trích cuốn sách bởi sự tính toán trong từng hành động nhưng thiết nghĩ,  có những lúc giao tiếp không phải lúc nào cũng đề cao sự sỗ sàng, thân thiện, với những nhà ngoại giao, những người quản lí, thành công của họ gắn chặt với giao tiếp đời thường. Với ai đó vẫn còn không tin vào những chuẩn mực trong hành vi có thể đem lại thành công, hãy cứ đọc cuốn sách này, ít nhất nó cũng giúp bạn hiểu hơn về tâm lý học thường thức. Hiểu được đối tượng mình cần giao tiếp mỗi ngày cũng như hiểu được chính mình sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của những nguyên tắc của Dale. Những nguyên tắc được chứng minh bằng các câu chuyện về các vĩ nhân, các cái tên mà nhắc đến bạn đã nghĩ đến thành công. Không khô khan, khó nhớ, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu những nguyên tắc này như những kinh nghiệm cuộc sống được kể lại qua những mẩu chuyện nhỏ.

Một nguyên tắc tối quan trọng của Dale đó là “Không chỉ trích, không lên án, không than phiền” được ông chứng minh một cách khéo léo “Muốn lấy mật đừng phá tổ ong”. Qua các ví dụ từ tên tội phạm nguy hiểm hàng đầu thế giới đến vị nữ hoàng được người đời kính  trọng, từ Theodore Roosevelt đến Theodore Roosevelt, Dale đã chỉ ra chỉ trích chỉ gây tác dụng ngược mà thôi.

4. Mọi nguyên tắc đều xuất phát từ sự chân thành

Đắc nhân tâm là sách kĩ năng nhưng cũng gắn liền với những quy tắc đạo đức, nguyên lí cuối cùng của những kỹ năng được Dale đúc rút là tình yêu thương và sự chân thành trong cách đối nhân xử thế, để biết làm điều hợp lòng người và quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Có người nói cuốn sách này dạy bạn cách sống giả tạo nhưng tôi lại nghĩ là cuốn sách này cho bạn cách lắng nghe nhiều hơn, quan sát tinh tế hơn và hành động thực sự sâu sắc. Quan tâm và nuôi dưỡng cảm xúc của người khác không phải là giả tạo, vô tâm, vô ý hành động không tinh tế mà quyết không sửa đổi mới là điều đáng trách.


Mỗi người là một vũ trụ khác nhau, một cá tính, một suy nghĩ, một trái tim căng tràn xúc cảm, nếu không mài giũa những điều này đúng cách, chúng ta sẽ khó giữ cho hành động của mình đúng chuẩn mực, cũng không đảm bảo được liệu hành vi của mình có gây ra ảnh hưởng không mong muốn.

Chúng ta nuôi dưỡng thể chất của con cái, bạn bè và nhân viên của mình nhưng thật hiếm khi chúng ta nuôi dưỡng lòng tự tôn của họ. Chúng ta dọn cho họ những món ăn họ muốn ăn bổ dưỡng để cơ thể tích trữ năng lượng, nhưng lại thờ ơ với việc mang cho họ thưởng thức những lời nói tốt lành thể hiện sự đề cao, trân trọng họ, những lời sẽ còn mãi trong tâm trí họ nhiều năm tháng cuộc đời, như thanh điệu của một giai điệu bất hủ.

Nguyên tắc “Không chỉ trích” của Dale không dạy ta cách chỉ nói với người khác lời lẽ du dương. Nó dạy ta cách nhìn vào điểm tốt của người khác vì điểm xấu bao giờ chẳng dễ chỉ ra. Chúng ta thường dành cho những khuyết điểm người khác một sự chú ý đặc biệt vậy tại sao không thể trân trọng nhiều như thế những điểm tốt của người khác? Đặc biệt, với những nhà lãnh đạo trong những trường hợp cấp bách, việc chỉ trích cấp dưới nặng nề chỉ làm cho tâm trạng họ tệ đi và tạo điều kiện cho sự phản kháng âm thầm của nhân viên. Để quên đi một lỗi lầm của một ai đó chẳng phải việc dễ dàng nên hãy thử chỉ một lần thôi bạn thôi để bụng những sai trái của nhân viên cấp dưới hay con cái của mình, có thể bạn sẽ bất ngờ về lòng biết ơn của họ đấy. Muốn phát huy hết điểm mạnh của ai đó hãy dành cho những điểm mạnh một sự nuôi dưỡng đầy đủ. Vậy xét cho đến cùng, Dale không phải chỉ dạy ta cái vỏ bên ngoài là hành động, ông muốn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận trong cuộc sống.

Tác giả: Dương Phương Anh - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


Xem thêm

Mặc dù "Đắc Nhân Tâm" của Dale Carnegie mang lại nhiều giá trị, cuốn sách vẫn có một số điểm hạn chế. Đầu tiên, nó chủ yếu tập trung vào các nguyên tắc giao tiếp mà không đề cập sâu đến các khía cạnh khác của sự phát triển bản thân như tư duy, cảm xúc hay quản lý xung đột. Thứ hai, một số độc giả cảm thấy rằng những nguyên tắc trong sách có phần đơn giản và hiển nhiên, khiến họ không thấy giá trị thực sự trong nội dung. Thêm vào đó, cuốn sách có thể thiếu chiều sâu tâm lý, khi không đi sâu vào các vấn đề phức tạp mà con người thường gặp trong mối quan hệ. Ngoài ra, phong cách viết và ví dụ trong sách có thể cảm thấy lỗi thời so với các xu hướng giao tiếp hiện đại, gây khó khăn cho một số người trong việc liên hệ với nội dung. Cuối cùng, không phải tất cả mọi người đều có thể áp dụng các nguyên tắc này vào mọi tình huống, đặc biệt là khi những nguyên tắc này không phù hợp với phong cách cá nhân hoặc văn hóa của họ. Tuy nhiên, mặc dù có những hạn chế này, "Đắc Nhân Tâm" vẫn được xem là một cuốn sách quan trọng và có ảnh hưởng trong lĩnh vực giao tiếp và phát triển bản thân.

  Tôi được giới thiệu về quyển sách "Đắc Nhân Tâm" bởi người chị gái ruột. Khi đó tôi đang ở độ tuổi 17 cập kề 18, một dấu mốc được coi là sự đánh dấu tuổi trưởng thành. Về cảm nhận của bản thân sau khi trải nghiệm những dòng chữ trong quyển sách của Dale Carnegie, tôi xin được nói rằng:
  “Đắc Nhân Tâm” là một trong những cuốn sách kỹ năng sống nổi tiếng nhất thế giới, được viết bởi Dale Carnegie. Tác phẩm này không chỉ là một cuốn sách về nghệ thuật giao tiếp, mà còn là kim chỉ nam giúp xây dựng các mối quan hệ bền vững và đạt được sự thành công trong cuộc sống. Cuốn sách chia sẻ nhiều nguyên tắc quý báu về cách thấu hiểu, tương tác và tạo thiện cảm với người khác. Điểm nổi bật của “Đắc Nhân Tâm” nằm ở sự đơn giản nhưng sâu sắc trong thông điệp. Chẳng hạn, tác giả nhấn mạnh rằng: “Đừng chỉ trích, oán trách hay than phiền”, thay vào đó hãy khuyến khích, khen ngợi và tìm cách đặt mình vào vị trí của người khác. Những lời khuyên này không chỉ áp dụng trong giao tiếp hàng ngày mà còn rất hữu ích trong môi trường kinh doanh, đặc biệt với sinh viên kinh tế đang chuẩn bị bước vào thị trường lao động. Tuy nhiên, một số độc giả cho rằng những nguyên tắc trong sách có phần lý thuyết và khó áp dụng triệt để trong cuộc sống hiện đại, nơi con người ngày càng phức tạp. Dù vậy, nếu thực sự kiên nhẫn và tập trung thực hành, bạn sẽ nhận ra giá trị lớn lao của những bài học này. Tóm lại, “Đắc Nhân Tâm” là một cuốn sách kinh điển mà bất kỳ ai cũng nên đọc ít nhất một lần. Đối với sinh viên kinh tế, đây không chỉ là một tài liệu về giao tiếp mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội trong các mối quan hệ cá nhân và công việc.

5 điểm

Trước tiên chúng ta cần phải làm rõ một quan điểm, đó là tại sao con người ta cần phải biết cách thu phục ‘nhân tâm’? Và tại sao chúng ta lại phải mua một quyển sách self-help khi không chắc chắn nó thật sự bổ ích? Đó là câu hỏi mà bất cứ một ai trước khi sẵn sàng mua bất cứ một quyển sách nào đấy đều phải nghĩ và cân nhắc đến. Bởi chắc hẳn không một ai muốn lãng phí thời gian quý báu của mình để làm những điều không mang lại chút lợi ích nào, và câu trả lời là ở đây là? Bởi nếu nó thật sự đáng giá, (và quả thật có vô vàng khán giả đã kiểm chứng rằng nó thật sự không làm lãng phí thời gian của bạn chút nào) thì có thể nó sẽ thay đổi được nhận thức nhân sinh quan của một con người.


Nhiều độc giả đánh giá rằng, Đắc nhân tâm là một trong số những quyển sách có tầm cao về giá trị nội dung, và đặc biệt khi điều mà quyển sách này truyền tải chính là những gì mà con người ta ở thời đại này cần phát triển nhất, một xu hướng xây dựng xã hội tương lai, đó chính là cách để tạo nên những mối quan hệ bền vững – Một điều mà tất cả những tổ chức, hay bất cứ một cá nhân nào đều đang tìm tòi và đề cao hơn cả!


Đắc nhân tâm – khi giao tiếp trở thành nghệ thuật, khi khôn khéo trở thành đời thường


Có lẽ, nói đến đây, có thể đối với một số người không có cái nhìn thiện cảm với sách, hoặc không thích đọc sách thì việc đọc một cuốn sách dày gần trăm trang không nguy ngờ gì là một điều khá tồi tệ, hoặc bởi bạn không thích phải tiếp thu kiến thức thông qua việc đọc hiểu một cách máy móc. Song, thật đáng kinh ngạc khi Đắc nhân tâm không phải một quyển sách với nội dung quá cứng nhắt hay tẻ nhạt khi tập trung quá nhiều kiến thức vào cùng một chủ đề, mà được viết dưới hình thức như một câu chuyện gối đầu với nội dung tinh tế, tỉ mỉ, dễ hiểu nhưng lại để lại một nét bút ấn tượng vào trong lòng người đọc. Phải, nói như thế, nhưng có ai lại biết rằng, những con chữ trong một cuốn sách không thể nói là dày, lại là thứ có đủ khả năng thể làm thay đổi cả thế giới của bạn?

Giao tiếp là một hoạt động mà mỗi ngày chúng ta đều cần phải thực hiện. Hoạt động giao tiếp được diễn ra ở khắp mọi nơi, từ trường học đến nơi làm việc. Và tồn tại cả trong các sinh hoạt cá nhân. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải luôn có những bí quyết riêng để có thể giao tiếp tốt với mọi người. Những ứng xử phù hợp sẽ giúp bạn ghi được ấn tượng với những người xung quanh. Đồng thời, bạn có thể phát triển được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn nhờ vào khả năng ứng xử khôn khéo.

Và Đắc nhân tâm chắc chắn sẽ là một người bạn đồng hành có thể hỗ trợ tốt cho bạn. Từ những kiến thức về cách ứng xử hằng ngày đến những cách thức để bạn có thể nắm bắt suy nghĩ của những người xung quanh. Nội dung được truyền tải một cách dễ hiểu những gì thực tế nhất giúp người đọc dễ dàng áp dụng được. Đó cũng là một phần lý do giúp Đắc nhân tâm trở thành một tựa sách không thể thiếu của mỗi người.

Hiện nay, quyển sách này đang được phát hành với bản cập nhật mới nhất. Đặc biệt hơn, người cung cấp thêm những nội dung giá trị để hoàn thiện quyển sách này lại chính là người vợ của cố nhà văn – bà Dorothy Carnegie. Quyển sách đã được cập nhật thêm một sơ đồ tư duy để giúp người đọc dễ dàng lĩnh hội được toàn bộ giá trị. Đồng thời, bản tóm tắt nội dung giúp bạn sơ lược được những tinh túy có trong cuốn sách này.

1. Không chỉ trích, than phiền, oán trách

Những người chúng ta gặp trong cuộc đời đều mang đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm, dù tốt hay xấu thì họ cũng dạy cho chúng ta rất nhiều bài học. Thế nên hãy nhìn mọi việc theo hướng tích cực nhất thay vì than phiền và oán trách cuộc đời.

2. Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác

Biết cách khen ngợi và biết ơn người khác cũng chính là một cách gửi gắm tình cảm chân thành nhất của bạn đến với đối phương, thế nên hãy giao tiếp một cách khôn ngoan.

3. Gợi ý cho người khác muốn thực hiện điều bạn muốn làm

Bạn có thể thoải mái gợi ý cho người khác điều bạn muốn làm thay vì để họ đoán già đoán non.

4. Thật lòng quan tâm đến người khác

Bạn sẽ không thể giữ mối quan hệ lâu dài với người khác nếu như đối xử giả tạo với họ.

5. Hãy mỉm cười

Mỉm cười trong giao tiếp sẽ giúp cho đối phương cảm thấy thoải mái hơn.

6. Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ.

Tên gọi rất quan trọng với mọi người thế nên hãy nhớ đúng tên của người khác.

7. Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ

Lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng trong giao tiếp, bạn phải thật sự lắng nghe vấn đề của người khác và đưa ra lời khuyên.

8. Nói về điều người khác quan tâm

Sẽ chẳng ai thích lắng nghe những chủ đề họ không hiểu hoặc không phải là điều họ không quan tâm.

9. Thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng

Đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong giao tiếp thế nên bạn cần phải để cho đối phương thấy được sự quan trọng của họ.

10. Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra

Trong giao tiếp, một lời nói bất cẩn có thể dẫn đến cãi vã rất nghiêm trọng thế nên trước khi nói bạn cần phải cân nhắc thật kỹ lời nói của mình.

Sau khi đọc cuốn sách này của Dale Carnegie, một số người có thể phát triển ảo tưởng về khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ của mình. Điều này có thể xảy ra khi họ có kỳ vọng không thực tế về việc cải thiện mối quan hệ ngay lập tức mà không nhận thức rằng những nguyên tắc trong sách cần thời gian và nỗ lực để áp dụng vào thực tế. Hơn nữa, cuốn sách nhấn mạnh sự tích cực và thiện chí, có thể khiến người đọc tin rằng họ luôn phải thể hiện sự lạc quan, ngay cả trong những tình huống khó khăn, dẫn đến việc không nhìn nhận thực tế một cách khách quan. Bên cạnh đó, những nguyên tắc trong sách không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi cá nhân hay tình huống, và nếu người đọc không nhận ra điều này, họ có thể gặp khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Cuối cùng, một số người có thể trở nên phụ thuộc vào các nguyên tắc này mà không phát triển khả năng tư duy độc lập, điều này khiến họ không linh hoạt trong việc xử lý các tình huống giao tiếp phức tạp. Do đó, việc đọc cuốn sách cần đi kèm với khả năng phân tích và điều chỉnh các nguyên tắc theo hoàn cảnh cá nhân để tránh rơi vào ảo tưởng.

Cuốn sách đưa ra những nguyên tắc giao tiếp và ứng xử rất thực tế và dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Những lời khuyên này không chỉ giúp cải thiện mối quan hệ cá nhân mà còn rất hữu ích trong môi trường làm việc. Mặc dù được xuất bản lần đầu vào năm 1936, các nguyên tắc trong cuốn sách vẫn còn phù hợp và có giá trị trong xã hội hiện đại. Điều này cho thấy sự khéo léo và tầm nhìn xa của tác giả.

Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Nó đã tạo ra một phong trào về sự phát triển bản thân và giao tiếp hiệu quả.

"Đắc Nhân Tâm" không chỉ tập trung vào giao tiếp mà còn đề cập đến việc phát triển lòng tự tin, sự đồng cảm và khả năng hiểu người khác, giúp người đọc trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Dale Carnegie sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, kết hợp với nhiều câu chuyện minh họa hấp dẫn, giúp người đọc dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ các nguyên tắc.

Cuốn sách không chỉ có giá trị trong lĩnh vực giao tiếp mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như lãnh đạo, quản lý, và kinh doanh.