Trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 đã có không ít những nhà văn đi theo chủ nghĩa hiện thực. Thông qua trang văn, họ vẽ ra bức tranh có đặc điểm chung là gam màu tăm tối, nhân vật đa phần đều rơi vào cảnh màn trời chiếu đất hoặc cảnh túng thiếu tận cùng. Để rồi, họ phải xoay sở, chật vật để tìm ra hướng giải thoát cho kiếp sống nghèo khổ. Rất hiếm ai chọn con đường của Vũ Trọng Phụng, dùng giọng văn trào phúng phóng đại và tiếng cười sâu cay để vạch trần bản chất mục ruỗng của xã hội đương thời. Trong số những tác phẩm của ông, nổi tiếng nhất phải kể đến “Số Đỏ”.

Trước khi đi sâu hơn vào nội dung tác phẩm, người đọc cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng trước lối hành văn nửa phóng túng kiêu kỳ, nửa bình dân gần gũi của Vũ Trọng Phụng. Có thể nói trong Số Đỏ, nhà văn đã dùng ngòi bút lia qua hết toàn bộ mặt cắt của xã hội bấy giờ, nhất là đời sống của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản. Ông bắt đầu từ chuyện gối chăn kín đáo mà người thường chỉ dám thì thầm với nhau, đến những vấn đề lớn lao của thời đại mà người Việt Nam yêu nước thuở ấy luôn trăn trở như canh tân đất nước, tiếp cận văn minh, phong trào Âu hóa. Vũ Trọng Phụng lấy chất liệu sự thật rồi phóng đại nó lên, cài cắm thêm thắt ẩn ý vào từng chi tiết để tạo nên tiếng cười cho Số Đỏ - một tiếng cười không phải thoải mái, vui vẻ mà đầy chất cay độc, mỉa mai đến quặn thắt cõi lòng.



Hãy bắt đầu từ cách ông giới thiệu nhân vật với những bối cảnh nghe qua thật đáng thương, xót xa và đầy đứng đắn. Từng người một hiện lên, Xuân Tóc Đỏ, vợ chồng Văn Minh, bà Phó Đoan… ai nấy cũng đều có vẻ ngay thẳng, thật thà, hay ít nhất Vũ Trọng Phụng đã thành công “đánh lừa” người đọc. Chỉ khi ta đã lầm tưởng về những con người ấy, thông qua các trang văn bản chất bên trong bộc lộ ra mới đủ thấm thía trong ngỡ ngàng, sửng sốt.


Lúc mới 9 tuổi, nó đã phải đi ở nhờ nhà một người bác họ, họ thúc bá. Bác nó nuôi nó thay đầy tớ và được cả họ khen là nuôi cháu bồ côi. Nhưng một hôm nó bị đánh một trận và bị đuổi đi. Bác gái nó tắm, nó đã khoét một chỗ phên nứa để nhìn! Từ đấy, thằng Xuân lấy đầu hè xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đan hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục, tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm. Nó mới xin được chân nhặt bóng trong sân quần độ trong vòng một năm nay thôi. Nhưng nó đánh quần chóng hay lắm nên được hội viên Pháp và Nam có lòng yêu, được trọng đãi một chút. Mộng tưởng của nó là sẽ có ngày được oai như Chim, Giao nếu hạnh phúc dắt đến cho nó một ông bầu. Bây giờ thì nó cam tâm yên phận là một thằng nhặt bóng. Tuy nhiên nó cũng mừng đã tìm được nghề ấy, cái nghề tuy hèn nhưng còn có thể hy vọng được chút danh thơm. Bán lạc, trèo sấu, câu cá, làm lính chạy cờ hiệu, những nghiệp ấy chỉ dắt đến một chỗ tắc tị. Phong trào thể thao, phong trào bình dân khiến nó lắm lúc tự kiêu tự đắc lạ lùng.



Từ độ được nhiều người gọi là Văn Minh, ông ta thấy cần phải chủ trương cuộc Âu hoá thì cái tên mới khỏi vô nghĩa. Một cái linh hồn khoẻ trong một xác thịt khoè! Phát minh được chân lý ấy rồi, đi đâu ông cũng hăng hái cổ động cho thể thao. Vợ ông trước nhất, rồi đến người khác. Ông không thể thao, thể dục cũng không, vì không có thì giờ! Cái chương trình Âu hoá của ông ta làm cho ông ta lúc nào cũng phải trầm tư mặc tưởng.

...

Còn lai lịch bà Phó Đoan, thì kể nghe cũng hay hay. Hồi đương xuân, bà bị một người lính Tây hiếp, lúc bà mới ở nhà quê ra tỉnh xem hội Đình Chiến. Sau cuộc hiếp tráp phép đến ngay cuộc hiếp đúng luật, nghĩa là cuộc làm phép cưới. Người lính ấy sau thành một ông Phó Đoan. Ăn ở với nhau độ 10 năm, ông Phó Đoan chết, chết trung thành với nhà nước, chết chung tình với vợ, chết như những người yêu vợ quá sức. Rồi bà lấy một ông phán trẻ được hai năm thì ông chồng nội hoá cũng lăn cổ ra chết. Vì lẽ chưa ai thấy bà có nhân tình, nên những ngọn lưỡi rắn độc phao rằng những ngọn lửa tình do những kẻ chim bà không được đã khêu lên, bà bắt ông phán phải rập tất cả. Bà chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt sức, cạn sức, phải trốn xuống suối vàng.


Số Đỏ được đặt vào trong một xã hội “văn minh!”, “Âu hóa”. Thế nhưng chính bản thân những người đi đầu trong cái sự nghiệp vĩ đại ấy lại mang theo tư tưởng cổ hủ, khắt khe hơn cả tầng lớp phong kiến cũ. Vũ Trọng Phụng tạo ra mâu thuẫn ấy khiến người ta không khỏi tự hỏi, rằng rốt cuộc những con người đó có thực đang muốn góp phần cải cách xã hội không hay chỉ chạy đua nửa vời, học đòi cái mới?

Xuân Tóc Đỏ nhìn qua cái áo giản dị, cổ áo không thuộc mốt lá sen cũng như không thuộc mốt bánh bẻ, cái quần trắng giản dị kín đáo, đôi giầy nhung đen không cầu kỳ mấy, thì chỉ thấy nó có vẻ đứng đắn thôi. Vì trong óc nó có sẵn thành kiến là cái gì nhố nhăng thì mới là tân thời, nó bèn đáp:

- Bẩm, trông bà chỉ có vẻ lương thiện, đứng đắn thôi chứ không tân thời mấy ạ.

- Có phải thế không, hở ông?

Xuân gật đầu lia lịa:

- Vâng ạ! Vâng ạ! Thế thì cổ lắm, chưa được Âu hoá mấy! Bà là vợ ông Típ Phờ Nờ mà ăn vận thế, e còn là hủ lậu đấy... Thế bà chưa biết rằng ông nhà đã chế ra nhiều kiểu rất tân tiến hay sao? Nào là Ngây thơ, Chinh phục, Lưỡng lự, Chờ một phút, Ỡm ờ, Ngừng tay, nhiều kiểu lịch sự lắm, bà ạ.

...

- Là vì tôi cũng như bác giai. Phụ nữ nghĩa là vợ con chị em người khác chứ không phải vợ con chị em của tôi. Gia đình tôi thì cứ phải theo cổ, không được có hạng đàn bà ăn mặc tân thời nay khiêu vũ, mai chợ phiên, rồi về nhà chửi lại mẹ chồng bằng những lý thuyết bình quyền với giải phóng!

Ông nhà báo nói một cách quả quyết như những nhà văn sĩ cấp tiến làm cho nhà mỹ thuật cũng hăng hái nói tiếp:

- Đối với tôi ấy à?... Đàn bà cứ nhốt trong buồng, mợ đã hiểu ra chưa?

Cái châm biếm lên cao nhất khi Vũ Trọng Phụng miêu tả một đám tang. Đi trái với lẽ thường của nỗi niềm đau buồn vì mất người thân, những nhân vật trong Số Đỏ lại hành xử như thể họ đang gặp phải sự hạnh phúc nào đó lớn lao lắm!


Ông Typn đã được mời ngay đến để nghĩ cách chế tạo một vài kiểu quần áo tang tối tân. Ông nhà báo đã được sự chủ khẩn khoản yêu cầu viết bài cáo phó, bài tường thuật, và sửa soạn chụp ảnh đăng báo.

Văn Minh vợ mơ màng một cách sung sướng rằng chỉ nay mai là sẽ được ăn vận toàn trắng, một điều mà bà vẫn ao ước bấy lâu nay. Văn Minh chồng ngồi hút thuốc lá Ăng-lê, cũng mơ màng đến phần tài sản mà ông ta sẽ được hưởng, nếu ông nội ông ta chết.

Đã hơn một năm nay, ông cụ già cay nghiệt đã đến tìm một ông chưởng lý văn khế để giao hẹn với pháp luật rằng mình có chết thì phần lợi tức của mấy chục nóc nhà mới được đem ra cho con cháu chia nhau... Ông cụ già không biết rằng nếu cái chết của mình lại có lợi cho con cháu đến như thế thì con cháu không khi nào lại muốn cụ cứ sống như thế mãi, dù là một ngày, dù là một giờ. Xưa kia, cụ đã trắng tay làm nên giàu, âu cũng là sinh ư nghệ, tử ư nghệ, hoặc là một cách chết vì nghĩa vụ.

Cậu Tân, mà ai cũng gọi là Tú Tân, không phải vì đã đỗ Tú Tài, nhưng mà vì đã ba lần thi trượt cái phần thứ nhất của bằng Tú Tài, lúc ấy loay hoay hai ba cái máy ảnh, cân nhắc xem hôm đi đám nên dùng đến cái nào thì hơn.

Bà Phó Đoan ngồi ẵm cậu con cầu tự của bà như một hiền mẫu.

Ông Joseph Thiết - một bạn thân của Văn Minh - thì ngồi trầm tư mặc tưởng với cái ý định mở một tờ báo bảo hoàng, không phải làm việc cho triều đình Huế, nhưng cho dòng họ Orléans bên Pháp, và cho ông Léon Daudet.

...

Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm. Ông phán mọc sừng đã được cụ Hồng nói nhỏ và tai rằng sẽ chia cho con gái và rể thêm một số tiền là vài nghìn đồng. Chính ta cũng không ngờ rằng giá trị đôi sừng hưu vô tình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế. Ông cho rằng Xuân có tài quảng cáo lắm, nó một lời là có vài nghìn bạc, nên sau khi được lời hứa quý hoá của ông bố vợ, ông trù tính ngay với Xuân một công cuộc doanh thương... “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!” Ông Xuân chỉ nói có thế mà làm cho ông thêm được vài ba nghìn bạc thì khi ông Xuân nói đại khái: “Thưa ngài, thứ hàng này tốt nhất, buôn ở Tây phương” chắc phải có giá trị hơn nữa. Ông muốn gặp ngay Xuân để trả nốt năm đồng, trước khi buôn bán cũng phải giữ chữ tín làm đầu.

Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mấu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ:

- Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!” Cụ chắc cả mười rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế...

Ðiều băn khoăn của con cụ, ông Văn Minh, chỉ là mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông nội mà thôi. Thế là từ nay mà đi cái chúc thư kia sẽ vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Ông chỉ phiền một nỗi không biết xử trí với Xuân Tóc Ðỏ ra sao cho phải... Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cái cái tội trạng hoạng dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn to... Làm thế nào? Ông phân vân, vò đầu rứt tóc, lúc nào cũng đăm đăm chiêu chiêu, thành thử lại thành ra hợp thời trang, vì mặt ông thật đúng cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối.

Vũ Trọng Phụng thỏa sức tô vẽ bức tranh hiện thực theo cách riêng của mình. Rằng không chỉ lời nói, hành động mà ngay cả trang phục cũng bộc lộ sự lố lăng phù phiếm, lệch hẳn đi so với thuần phong mỹ tục, những giá trị truyền thống tốt đẹp Việt Nam vốn có. Một bộ y phục mang tên Ngây thơ, song lại phô trương thân thể người mặc đến mức kệch cỡm, thậm chí có đôi phần gợi dục.

Hôm nay Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất chữ trinh. Với cái tráp trầu cau và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy những huy chương như: Bắc đẩu bội linh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn tượng bội tinh, v.v... trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn, những ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cửu, khi trông thấy một làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn xuân nữ ai oán, não nùng.

Trong Số Đỏ gần như không tồn tại giá trị đạo đức nào cả, hoặc giả là có, thì hẳn nó sẽ là thứ người ta thi đua nhau vượt qua, bỏ mặc. Người ta nói về Xuân Tóc Đỏ, nói về cô Tuyết, cụ Hồng, vợ chồng Văn Minh, nhưng có lẽ dấu ấn sâu đậm nhất phải kể đến bà Phó Đoan, một người luôn cố gắng giữ gìn cái sự chính chuyên giả tạo để che đậy nhu cầu sinh lý, đến mức không chịu nổi nữa mà tòm tem với trai trẻ.

Bất đắc dĩ Xuân phải ngồi xuống ghế, khoan thai đọc cả hai cái bài mà người ta bảo là nói xấu nó. Nhưng cảm tưởng của nói lại chẳng giống của bà Phó Ðoan:

- Nghĩa là mình cũng phải có thế nào mới được người ta nói xấu chứ? Mợ chớ lo, ở đời này, càng những người danh giá càng hay bị báo nói xấu, và chỉ những kẻ không ai thèm biết đến tên tuổi là được ở yên thân trong xó tối mà thôi.

Nghe thấy lời lẽ có lý, bà Phó Ðoan cũng nguôi, thưởng cho Xuân Tóc Ðỏ mấy cái hôn mà rằng:

- Cậu nói chí lý lắm! Cậu ngoan lắm!

Ðã đến lúc nhọc mệt vì sự mơn trớn nạ dòng ấy, Xuân Tóc Ðỏ đẩy cái mặt bự phấn ấy ra nhăn nhó kêu lên:

- Gớm nữa!

Thái độ ấy làm cho vị quả phụ thủ tiết ấy tức khắc nổi trận lôi đình! Thật thế! Ai mà lại không phải tức, khi lòng tự ái bị thương! Bà Phó Ðoan làm một hồi trầm trập:

- À! Ðồ khốn nạn! Ðồ sở Khanh! Ðồ bạc tình lang! Làm hại cả một đời người rồi thì bây giờ giở mặt phỏng? Này, con này chẳng phải tay vừa đâu! Liệu thần xác!

...

Bác sĩ Trực Ngôn bèn đứng lên, đọc ở một tập giấy:

- Thưa quý thính giả, buổi tối hôm nay, tôi muốn đem chút ít sở học để nối đến “mùa thu ái tình”, nghĩa là những mối dục vọng, khao khát thiên nhiên của hạng người về già, mà người đời vẫn cho là không đáng có nữa. Xã hội ta xưa nay vẫn sống với những thành kiến hẹp hòi, ấy là vì khoa học chưa dẫn ánh sáng đến điều ấy. Thí dụ ta thấy một ông lão năm mươi tuổi còn mua hầu non, cưới vợ lẽ, ta chế giễu ngay là “già chơi trống bỏi” ta khó coi. (vỗ tay). Nếu là một người đàn bà mà dây dưa đến ái tình thì lại càng nhục nhã. Thôi thì thiên hạ chẳng còn ngại ngùng đem những lời độc ác mà chửi rủa, chê bai... Sự thực, công kích như thế là chính đáng không? Phải chăng về già, hay sắp về già, người đời hết giấy phép thoả mãn tình dục? Không! Không! Vì điều ấy thuộc quyền tạo vật, chứ không còn thuộc cái ý chí của bọn phàm trần chúng ta! (vỗ tay).

Trong một đời, người ta có hai thời kỳ khủng hoảng về tình dục, ấy là tuổi dậy thì và lúc sắp về già. Tạo hoá đã an bài ra thế, chứ loài người ít ai cưỡng được! cái tuổi dậy thì nó gây ra sự khủng hoảng tinh thần cho thiếu niên bao nhiêu thì cái mùa thu của ái tình cũng gây cho lũ “lão giả an chí” sự bối rối bấy nhiêu. Các ông già thì cưới vợ lẽ, (vỗ tay) rồi bị thiên hạ chê cười. Các bà già rồi thì cũng lặn lưng vào vòng hoa nguyệt (vỗ tay). Hôm nay, diễn giả không cốt phô bầy ra đây những cái xấu ấy, nhưng mà là cắt nghĩa tại sao có những cái xấu ấy...

Bàn về sự khủng hoảng tình dục của đám phụ nữ nạ dòng,(bà Phó Ðoan hắt hơi) Bác sĩ Vachet đã có những kinh nghiệm rất đúng thật. Tôi xin đơn cử ra đây vài đoạn để tỏ ra rằng những danh từ hoặc nông nổi hoặc vô nghĩa nhu phong hoá, suy đồi, ngứa nghề, lẳng lơ, già chơi trống bỏi, gái năm con chưa hết lòng chồng, vân vân... đều có thể đem cắt nghĩa bằng khoa học được lắm. Bác sĩ Vachet đã nói: Sự khủng hoảng tình dục ở người đàn bà, thường khi bày ra những triệu chứng bất ngờ, quái gở. Do cái ảnh hưởng của sự rối loạn vê kinh nguyệt, và tính khí, người đàn bà phải chịu một cuộc tai biến về sinh lý và tinh thần có ngụ cái ý khao khát tình dục rất rầy rà, lôi thôi. Có điều đáng buồn cho hạng phụ nữ bất kỳ động cỡn ấy, là sự ấy chỉ nảy ra vào lúc người chồng cũng già rồi, nghĩa là đã liệt dương, vậy thì còn biết làm thế nào? Muốn có một cậu nhân tình yêu mình cho tha thiết thì không còn được nữa, vì cái mã đã răn reo(vỗ tay). Vả lại không phải bỗng chốc người đàn bà nào cũng cả gan bỏ thái độ cũ, mặc kệ hết thảy, bất cần dư luận; đem vứt đi một đời danh tiết... Khốn thay, dục tình vẫn ám ảnh vẫn làm cho đỏ mặt và độp rộn lên cái trái tim...

Bởi thế cho nên, than ôi! Có rất nhiều bà tuy đã hết sức kiềm chế mình mà vẫn không biết rằng tính nết mình thay đổi nhiều lắm: hay giận dữ, nóng nảy, hay gắt, chán đời hay ghen ghét đức ông chồng về một chuyện từ ngày xửa ngày xưa, hay là bỗng trở nên thần bí về một lý tưởng tôn giáo, hoặc đồng cốt quàng xiên, mê tín...

Nếu người chồng còn tráng kiện, thì vợ như thế là béo bở cho mình lắm. Than ôi, nhiều khi đức ông lại không đủ sức lực nữa, vả lại ông còn bận rộn lắm công kia việc nọ để lo sự no ấm cho gia đình(vỗ tay). Nhiều khi người chồng đã chết mất rồi, cho nên phần nhiều các bà bị cái khủng hoảng kia là những đàn bà goá (vỗ tay). Khi người ấy không tái giá, hay không nghĩ đến sự bước đi nữa, đã đành là các bà phải có tình nhân (vỗ tay). Kể ra thì có nhiều sự đáng tức cười, song lo chỉ tại một nguyên cớ sinh lý, vì riêng cái thời kỳ khủng hoảng kia, than ôi, không mấy ai tránh khỏi, và may sao nó chỉ có hạn. Ta nên nhớ kỹ rằng đó là vì trong cơ quan sinh dục, những noãn sào thiếu máu, tử cung kết kinh, gây ra một cuộc hỗn loạn sinh lý vào cái lúc mà phụ nữ Việt Nam gọi là “hết trội” rồi về sau, qua một thời kỳ, những bộ phận khác sẽ tiết cho buồng trứng những thứ nước cần thiết, người đàn bà hết bị khủng hoảng, lại có cái linh hồn lành mạnh như xưa!...”

Mọi người lại vỗ tay kêu ran.

Riêng về bà Phó Ðoan, thì khi thấy ông đốc tờ đã ngồi xuống, bà mới được hoàn hồn. Không những sự cứu chữa mà Xuân đe doạ kia chẳng những không hại đến địa vị quả phụ của bà, mà dẫu rằng xưa kia đã có tai vách mạch rừng chi nữa thì cũng không sao, vì bà đã lẳng lơ theo đúng nghĩa lý sách vở của thánh hiền, nghĩa là bà được mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học.


Sở dĩ Số Đỏ có thể tạo ra tiếng vang lớn trên văn đàn bởi suy cho cùng, đằng sau tất cả mỉa mai châm biếm là một hiện thực phũ phàng về xã hội Việt Nam đầy biến động trong giai đoạn lịch sử ấy. Vũ Trọng Phụng viết ra những trang chẳng nể nang gì ai, giống như dùng một con dao bén thọc sâu vào lòng xã hội khoét hết mục ruỗng thừa thãi. Nhưng hiển nhiên, nhà văn làm thế không chỉ để người ta mải mê chỉ trích nhân vật, cười cợt nhân vật. Ẩn dưới hàng loạt câu chữ gai góc và chua chát là sự cổ động người trẻ thức tỉnh bản thân từ cõi mê, nhìn nhận thực tế mà tìm ra con đường bước tiếp. Thông điệp ấy cho tới ngày nay vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị của nó, rất cần thiết và đúng đắn.

--------------------------------------------------------------------------------------------

Tác giả: Quỳnh Giao - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link:  http://bit.ly/bookademy_ctv


Xem thêm

Cái tựa “Số đỏ” đủ để nêu lên hết nội dung và cuộc đời của chàng Xuân tóc đỏ. Anh chàng này theo tôi thì không hẳn đã xấu, âu có thể lý giải là do số phận đưa đẩy. Anh này giỏi ở chỗ cực kỳ linh hoạt thích nghi với môi trường sống. Cái điều mà ngẫm đi ngẫm lại tôi chỉ ước mình được một tí như thế thôi.

Tác phẩm hay về nội dung lẫn giọng văn, phê phán xã hội Tây hóa nửa vời một cách hoàn hảo mà từ đó lột tả cho ta thấy rõ xã hội Việt Nam thời ấy. Đọc hết tác phẩm, tôi phải nói rằng tác giả không chỉ hay ở cái bối cảnh tạo nên nội dung, giọng văn đơn giản, hài hước mà còn nói lên ước muốn muôn đời của chúng ta từ cái mơ đến may rủi. Con người ta rồi sẽ chạy theo những thứ phù du mà quên mất cái nhân phẩm. Cả một dòng họ giàu sang, danh giá như nhà cụ cố Hồng ấy, họ cũng là những người sống theo một chủ nghĩa, quan điểm riêng và tự cho nó là đúng.

Cuối cùng mong muốn thay đổi cả xã hội. Âu hóa là điều mà ông bà Văn Minh cố gắng đạt được, mà ông ta cũng lại lo sợ cảnh nhìn vợ mình Âu hóa theo. Thật hài chứ, họ biết họ sai thế mà họ vẫn làm. Thử liên tưởng ngày nay xem, vì tiền họ bất chấp tất cả dù biết sai.

Cứ đọc hết tác phẩm và liên tưởng đến cuộc sống hiện tại, cứ mỗi chi tiết nhỏ cũng đủ là tôi càng ngưỡng mộ Vũ Trọng Phụng vì “Số đỏ” đã phản ánh tốt không chỉ là xã hội lúc ấy mà giờ đây đôi phần trở nên đúng, tôi tin chắc bạn sẽ thấm cái giá trị văn học của nó nhiều lắm! Là một tác phẩm đáng để đọc.

Bạn có nghĩ rằng Xuân Tóc Đỏ là một Doctor thứ hiệt.Rất lầm. Không phải thế. Xuân Tóc Đỏ, xuất thân là một đứa bé lang thang, ma cà bông, cò bơ cò bất, bán thuốc ho bà lang trọc, nhặt ban trên sân quần vợt, thật đấy, nhưng nó không hề làm nên một tội ác nào có thể so sánh với tội ác của đại gia đình quyền quý của cụ Cố Hồng, tổ chức giết bố (cụ Tổ) để chiếm lĩnh gia tài. Xuân Tóc Đỏ bước lên nấc thang danh vọng, không phải vì nó biết lừa lọc, man trá, mà chính vì cả cái gia đình quý phái ấy đã lợi dụng nó để làm những chuyện bất chính. “Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội” (trang 303).

Trước tiên ông Văn Minh, con trai cụ cố Hồng, muốn làm giàu, vì biết nó mồm mép giỏi giao cho nó trách nhiệm làm văng-đơ, bán quần áo, trong collection mode của họ.

“Đây…Đây… Tiệm may chúng tôi có rất nhiều kiểu, toàn do những sinh viên mỹ thuật có danh tiếng chế tạo ra cả. Đây, bà cứ xem những biển đề ở tượng, là rõ nghiã lý của từng bộ y phục một. Đây là bộ Lời hứa, nghiã là để cho thiếu nữ nào mặc bộ ấy có thể như hứa với bạn lòng một cuộc hẹn hò vậy. Đây là bộ Chiếm lòng. Mặc bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta. Đây là bộ Ngây thơ, đây là bộ Dậy thì, toàn cho con gái mới nhớn. Từ đây vào là của các bà thiếu phụ, các bậc nội tướng rồi… Thưa bà, đây là bộ Nữ quyền, của người đàn bà lúc nào cũng được chồng khiếp sợ. Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những bà quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà góa chồng, mà không biết là nên thủ tiết hay là thôi.” (trang 298-299). Đấy là sự châm biếm cái tiết hạnh của người phụ nữ đã bị đem ra làm trò cười cho cả thiên hạ

+Thấy nó được việc, gia đình Văn Minh muốn nhờ tay Xuân giết cụ Cố, vì biết nó mù tịt về y học, nên đã tâng nó lên hàng bác sĩ, đúng ý cụ cố Hồng đang muốn tìm một tay bác sĩ lang băm để giết ông bố già cứ sống dai mãi, mà không chịu chết:

” Cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:

– Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi” (trang 325).” “Những sự việc trắc trở như thế này đã làm cho ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bình tĩnh”

Cái cảnh đám tang cũng khiến người ta ghê người .“Hôm nay Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ- cái áo dài voan mỏng có coocs-sê, trông như hở cả nách và nửa vú-nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho cả thiên hạ biết rằng mình chưa đánh mất chữ trinh”=>Một bộ đồ lố lăng, dường như đám tang trở thành cuộc trình diễn tươi mát của cô Tuyết. Nửa Tây, nửa Ta, bộ áo dài dường như đã mất đi cái nét đẹp thuần khiết vốn có của nó. Một cái cười nhạt, đúng hơn là sự khinh bỉ về cái lố lăng của đương thời

“Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, tây có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đu đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ. Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!”=>Dường như nếu đọc thiếu từ đám ma, ta sẽ tưởng đây là một đám cưới, một lễ hội tưng bừng. Người thân chết mà họ còn vui mừng hơn cả mở hội. Người chết như cụ cố cũng bị mỉa mai không kém. Chết mà được đãi long trọng như vậy, họ cũng nhắm mắt xuôi tay. Họ không còn quan tâm đến cái nghĩa, cái lý ở đời.

Lịch sử leo thang danh vọng của Xuân Tóc Đỏ chính là tiến trình leo thang của những nhân vật chóp bu, trong bất cứ xã hội kim tiền, tham nhũng nào. Những hình thái lai căng trong Số đỏ phản ảnh những hình thái đua đòi, chạy theo cái mới, tân tiến nửa mùa, xoá bỏ căn cước văn hoá của chính mình. Lai căng là hình thức sao chép, gán ép hai thực thể không cân xứng, không phù hợp, không nghệ thuật, vô văn hoá.

“Số đỏ” – Khiến người đọc cười theo nhiều kiểu. Nhiều kiểu là gì: cười vì cái hài hước trong văn phong của Vũ Trọng Phụng, cười cái sự tình nhố nhăng lộn xộn của nhà cụ cố Hồng, hay cũng là cười mỉa, cười thẳng mặt cái chế độ phong kiến thối tha, chạy theo cái danh và đồng tiền. Mặc dù tuổi đời của Vũ Trọng Phụng còn rất trẻ nhưng ông đã để lại những ấn tượng sâu sắc như “Số đỏ”.

Khác với những tác phẩm, phải đọc lâu, đọc kĩ ta mới nhận thấy cái châm biếm, khinh bỉ của tác giả về xã hội xưa. Thì đây, “Số đỏ” không hề nói toạc ra nhưng lại giúp người đọc nhìn ra bộ mặt thật đểu giả và suy đồi, lố lăng của tầng lớp tiểu tư sản xưa. “Số đỏ” kể về Xuân Tóc Đỏ mà số hắn cũng đỏ thật. Hắn đã trải qua tất cả các nghề như trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt. Rất vô tình thôi, hết lần này đến lần khác hắn được người ta trọng dụng, biết ơn,…

Vì mấy cái trò mèo của mình giúp con người đó thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Mình ấn tượng nhất là cụ cố Hồng với câu nói: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, hay như thằng cu Phước. “Số đỏ” còn một số nhân vật rất là… hmm 18+ như là bà Phó Đoan, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết. Thôi khỏi nói, đều là những con người suy đồi đạo đức cả. Vũ Trọng Phụng còn xây dựng nên vô số những nhân vật phụ làm nền cho bức tranh biếm họa ít nhiều có nguồn gốc từ chính hiện thực, những nguyên hình trong xã hội dâm loạn, giả dối đương thời.

Từ những ông bạn thân của cụ cố Hồng… đeo đầy những huân chương… đến “giai thanh gái lịch” đất Hà thành đang Âu hóa cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau…” đã biểu lộ mọi góc cảnh của cái tính vô văn hóa, vô đạo đức của bọn người cặn bã mang những chiếc mặt nạ bịp bợm. Những hành động của ông Phán mọc sừng đối với Xuân Tóc Đỏ, một người đàn ông có vợ ngoại tình nhưng lại không thấy hèn hạ mà lại lấy cơ đó kiếm tiền.

Những chi tiết trào phúng đặc biệt chua chát góp phần không nhỏ tô đậm sự lố lăng, vô đạo đức của xã hội thượng lưu thời đó. Ngòi bút trào phúng và cách xây dựng tình huống của Vũ Trọng Phụng rất sâu sắc và châm biếm, nhiều khi còn thấy rất bựa =))). Nhiều nhà văn từng nhận xét, Vũ Trọng Phụng luôn là người đi trước thời đại.

Chất văn của ông không chỉ đơn giản dùng trong thời điểm đó mà thường vượt xa ngưỡng cửa thời gian rất lâu để mãi tới tận sau này khi con cháu đọc và ngẫm lại vẫn còn thấy thấm thía. Qua “Số đỏ” ta đã nhận ra được rất nhiều bộ mặt trong cuộc sống.

Tôi được học một đoạn trích của tác phẩm này trong chương trình Ngữ Văn trung học phổ thông. Khi ấy, điều đầu tiên làm tôi để ý đến tác phẩm này là Vũ Trọng Phụng là nhà văn qua đời sớm nhất trong tất cả những nhà văn tôi từng biết: ông ra đi khi chỉ mới 27 tuổi. Dần dà vào đoạn trích, tôi bắt đầu tò mò và đi tìm mua cả cuốn sách về đọc.

"Số đỏ" nói về Xuân, một kẻ lưu manh đầu đường xó chợ bỗng trở thành quý ngài, là một nhân vật không thể thiếu trong công cuộc Âu hoá, công cuộc cải cái xã hội.

Tất cả các nhân vật trong câu chuyện dưới ngòi bút trào phúng, mỉa mai, châm biếm của Vũ Trọng Phụng đều trở nên đáng phê phán. Từ Xuân Tóc Đỏ từ lưu manh trở thành bác sĩ nhờ cái khả năng máy móc nịnh đầm, đến bà me Tây Phó Đoan “quyết thủ tiết với hai đời chồng”. Từ ông Cố Hồng “biết rồi khổ lắm nói mãi” cho đến vợ chồng Văn Minh mưu mô vụ lợi chỉ mong cụ cố chết để có tiền thừa kế. Từ cô Tuyết “ngây thơ” cho đến ông Phán bị mọc sừng mà đành ngậm bồ hòn làm ngọt những mong kiếm thêm được chút đỉnh. Từ cô Hoàng Hôn “giữ trinh tiết với cả chồng và nhân tình” đến sư cụ Tăng Phú lợi dụng cái danh của Phật để kiếm miếng lời, vv…

Tất cả tạo nên một xã hội kỳ quặc vô lý nơi mà con cháu đáng lẽ phải vui mừng khi cụ cố khoẻ mạnh sống lâu lại hết sức thất vọng vì cụ không chết và hoan hỉ khi cụ đột ngột qua đời, không những thế, còn mang ơn với kẻ đã gây ra cái chết của cụ, cái xã hội ấy là nơi mà bằng những sợi dây của nịnh bợ, khoác lác, lừa đảo, người ta để cho Xuân tóc đỏ từ một kẻ lưu manh, thất học, nhặt ban quần trở thành bác sĩ, thành nhà cải cách xã hội, để bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh phải gọi “ngài” xưng “tôi” cho dù hơn ai hết, họ biết rõ bộ mặt thật của hắn.

Các tình tiết trong câu chuyện được Vũ Trọng Phụng xây dựng hết sức tài tình, đưa các nhân vật vào những thế cờ hiểm, buộc họ phải im lặng để cho Xuân nhảy vào tầng lớp “thượng lưu” một cách dễ dàng, không gặp trở ngại gì để lên đến đỉnh cao của nghệ thuật châm biếm là khi Xuân thua trong trận quần vs vận động viên Thái Lan và trở thành “vị anh hùng cứu quốc”, được thưởng Bắc Đẩu bội tinh, xưng ta, gọi công chúng bằng “mi”. Tất cả những điều đó đều nhằm mục đích lột tả được cái sự thối nát, đồi bại, lai căng, nửa tây nửa ta của xã hội Việt Nam dưới ách cai trị của chế độ thực dân.

"Số đỏ" được coi là một kiệt tác của Vũ Trọng Phụng – bậc thầy của nghệ thuật trào phúng, châm biếm trong nền văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là ông vua phóng sự Bắc kì, các tác phẩm của ông đều lột tả những mặt tối của xã hội. Số đỏ là câu chuyện kể về số phận của Xuân, một người may mắn trên con đường thăng tiến. Sự may mắn này không phải tự nhiên do trời mà đến mà thật sự ra là do cái sắp đặt dựa trên cái ham muốn quyền lợi của mỗi ng. Xuân từ một thằng nhặt ban quần trở thành một ông Đốc tờ, một vĩ nhân vì đất nước…

Bất chấp bao nhiêu cái điều nghịch lí đằng sau. Bằng lời văn hài hước, dí dỏm nhưng đầy châm biếm phê phán, tác giả đã lột trần bản chất của một lớp dân thành thị thời ấy với một cụ Cố Hồng suốt ngày chỉ “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà hóa ra chẳng biết gì; một cụ Hồng chỉ quan tâm đến cái danh giá bề ngoài của gia đình; một ông Văn Minh, một bà Văn Minh hay một ông Phán “mọc sừng” chỉ biết đến tiền, đến gia sản của cụ cố, đến lợi ích của bản thân; một cô tuyết hời hợt, rỗng tuếch suốt ngày chỉ nghĩ đến những thứ thời trang tân thời, và từ hào rằng mình giữ được một nửa chữ “trinh”…

Mỗi nhân vật hiện lên trong tác phẩm lại đại diện cho một kiểu người dân cái thời văn hóa Tây phương vừa du nhập ấy, tạo nên một câu chuyện hài hước, dí dỏm, sinh động mà cũng xót xa. Các mắt xích trong truyện được Vũ Trọng Phụng nối lại với nhau hết sức tài tình, biến những điều nghịch lí thành những điều hiển nhiên, làm nên tiếng cười châm biếm cho tác phẩm. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng thời gian Số đỏ phải chịu biết bao thâm trầm của lịch sử, không cho phép được xuất bản.

Hiện nay, số đỏ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học nổi tiếng mà còn đồng thời là một bức tranh hết sức chân thật về cuộc sống của lớp thị dân Việt Nam một khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử. Số đỏ quả là một tác phẩm không thể bỏ qua.

“Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết trào phúng tiêu biểu của văn học Việt Nam – có thể coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông vua phóng sự Bắc Kỳ. Truyện kể về cuộc đổi đời đáng kinh ngạc gã ma cà bông vô học Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ hạ lưu – nhờ vào những gian trá lừa lọc rất đúng thời điểm, hợp thời trang với trào lưu Âu hóa lúc bấy giờ – trở thành một người có địa vị danh giá vào hạng bậc nhất trong xã hội. Xuân coi như đã trúng số độc đắc, đã xoay chuyển được cả vận mệnh đời mình nhờ sự hỗ trợ của ba yếu tố được xem như mấu chốt cho mọi sự đổi đời là thiên thời, địa lợi và nhân hòa.Cái mỉa mai của Vũ Trọng Phụng đã đến ngay từ cốt truyện và càng đi sâu vào tình tiết, nhân vật, bối cảnh…

Tiếng cười ác ý lại càng lộ rõ. “Số đỏ” không phải là một câu chuyện về lòng yêu thương con người. Tất cả những lời ca ngợi mà các nhà phê bình văn học hay các sách văn mẫu về giá trị nhân đạo và những thương cảm sâu sắc mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm… chẳng qua chỉ là phóng đại nếu không muốn nói thẳng là dối trá. Chẳng có gì cao thượng hay nhân ái trong “Số đỏ”, đó không phải mục đích của nhà văn khi viết tác phẩm.

Ông chỉ căm ghét, khinh miệt và thẳng thắn thể hiện điều đó bằng những câu văn trào phúng mà ẩn sau tiếng cười là sự cay đắng và tức giận. Ông miêu tả nhân vật với thái độ dè bỉu công khai. Ông muốn công chúng nhạo báng tất cả những nhân vật ấy, những kẻ ngoại tình, những ả lẳng lơ, lũ hám danh hám lợi, bọn ngu ngốc đầy sĩ diện với sự đề cao quá lố giá trị của bản thân…tất cả, và tên vô lại xảo quyệt Xuân Tóc Đỏ.

Vũ Trọng Phụng đã khắc họa thành công một xã hội “lố lăng, toàn những chuyện ối a ba phèng” trong cái buổi Ta-Tây-Tàu lẫn lộn ấy bằng một tổ hợp vô cùng đông vui những nhân cách mà nhà văn giễu cợt gọi tên là “khốn nạn và chó đểu”. Ngay cả người đọc hời hợt và nông cạn nhất cũng sẽ thấy cuốn tiểu thuyết này gây cười, rất thú vị, rất khôn khéo và thời thượng (dù đã ra đời cách đây hơn chục năm).

Nhưng sau khi dành thời gian ngẫm nghĩ về nó, về sự thâm thúy của người viết văn, về cái giọng điệu khinh bạc đến điều của ông khi nhìn thẳng vào thói hư tật xấu của con người, dù cho không có cảm giác bình thản hay độ lượng, ít nhất người đọc có thể tự nhìn lại mình và cố gắng không trở thành bất cứ ai trong cuốn truyện trào phúng đó.

“Số đỏ” là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của “Số đỏ” là Xuân – biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó.

Tác phẩm “Số đỏ”, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất cho đến năm 1986.

Tác phẩm nổi tiếng này đã được chuyển thể thành nhiều phim và kịch. Đây được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc”. “Số đỏ” xoay quanh nhân vật làm đảo điên Hà Nội những năm 1930 – 1940, Xuân Tóc Đỏ – từ một thằng bé mồ côi, kiếm sống bằng đủ thứ nghề: trèo me, trèo sấu, nhặt bóng ở sân quần vợt, quảng cáo thuốc lậu… nhờ thủ đoạn xảo trá, “nhờ thời” đã trở thành đốc tờ Xuân, nhà cải cách xã hội, giáo sư quần vợt, thậm chí là anh hùng cứu quốc, là vĩ nhân…

Sử dụng lối tương phản giữa cái đồi bại, thối nát vô luân với cái hài, cái trào phúng đã giúp cuốn tiểu thuyết thành công trong việc lột trần những “quái thai” thời đại trong buổi giao thời. Từ đó, tác phẩm cũng đã đả kích cay độc cái xã hội tư sản bịp bợm, đang chạy theo lối sống văn minh rởm, hết sức lố lăng thối nát.

Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đả kích những phong trào được thực dân khuyến khích như: phong trào Âu hoá, thể dục thể thao, chấn hưng Phật giáo… Sự thành công của tác giả còn ở việc đã xây dựng được những nhân vật trở thành điển hình về mặt tâm lý xã hội mà cho đến tận hôm nay bóng dáng những nhân vật ấy vẫn còn đâu đó quanh ta.

Tiểu thuyết “Số đỏ” được đăng ở “Hà Nội báo” từ số 40 ngày 7/10/1936 và được in thành sách lần đầu năm 1938. Tác phẩm nổi tiếng này đã được chuyển thể thành nhiều phim và kịch. Đây được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc”. “Số đỏ” xoay quanh nhân vật làm đảo điên Hà Nội những năm 1930 - 1940, Xuân Tóc Đỏ - từ một thằng bé mồ côi, kiếm sống bằng đủ thứ nghề: trèo me, trèo sấu, nhặt bóng ở sân quần vợt, quảng cáo thuốc lậu... nhờ thủ đoạn xảo trá, “nhờ thời” đã trở thành đốc tờ Xuân, nhà cải cách xã hội, giáo sư quần vợt, thậm chí là anh hùng cứu quốc, là vĩ nhân... Sử dụng lối tương phản giữa cái đồi bại, thối nát vô luân với cái hài, cái trào phúng đã giúp cuốn tiểu thuyết thành công trong việc lột trần những “quái thai” thời đại trong buổi giao thời. Từ đó, tác phẩm cũng đã đả kích cay độc cái xã hội tư sản bịp bợm, đang chạy theo lối sống văn minh rởm, hết sức lố lăng thối nát. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đả kích những phong trào được thực dân khuyến khích như: phong trào Âu hoá, thể dục thể thao, chấn hưng Phật giáo... Sự thành công của tác giả còn ở việc đã xây dựng được những nhân vật trở thành điển hình về mặt tâm lý xã hội mà cho đến tận hôm nay bóng dáng những nhân vật ấy vẫn còn đâu đó quanh ta.

Tiểu thuyết “Số đỏ” có thể được xem là nơi hội tụ nhiều nhất những phẩm chất và năng lực khác nhau của văn tài Vũ Trọng Phụng.

Ông được đánh giá cao ở phóng sự, nhưng cũng có thành tựu ở truyện ngắn, truyện dài.

“Số đỏ” ra mắt lần đầu tiên dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo. Ngay trước lúc chương truyện đầu tiên lên mặt báo, tác phẩm được giới thiệu như là thiên truyện cười dài, “cuốn tiểu thuyết của một thời đại nhố nhăng”. Vậy tiếng cười trong “Số đỏ” được thể hiện ra sao?

Câu chuyện trong “Số đỏ” là câu chuyện của những năm 1930, khi mà Hà Nội đã và đang trở thành một đô thị hiện đại. Thông qua nhân vật Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng châm biếm sự suy đồi đạo đức của xã hội đương thời, đồng thời phê phán mạnh mẽ sự lố lăng và giả tạo của tầng lớp thượng lưu. 

Tầng lớp thượng lưu trong tiểu thuyết được miêu tả là những kẻ sống xa hoa, phù phiếm và giả tạo. Họ tổ chức các sự kiện xã hội hào nhoáng, nhưng thực chất chỉ để khoe khoang và thể hiện mình. Các nhân vật như bà Phó Đoan, ông Phán, bà Văn Minh đều là những ví dụ điển hình của sự giả tạo và lố lăng này. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ vô học và gian xảo, lại có thể dễ dàng thăng tiến và trở thành người có địa vị, cũng cho thấy sự lố bịch và phi lý của xã hội.

Xuân Tóc Đỏ vốn là một trẻ mồ côi, sống vạ vật ở các vỉa hè Hà Nội, từng làm đủ nghề hạ lưu (bán lạc rang, bán báo, đánh giày, chạy cờ rạp hát, thổi loa rao hàng cho hiệu bán thuốc lậu,…) Hắn cũng là một kẻ mưu mô, xảo quyệt và lắm chiêu trò; không ngần ngại sử dụng những thủ đoạn gian xảo để đạt được mục đích của mình. Tính cách của Xuân có phần hèn nhát, nhưng lại biết cách lợi dụng những sơ hở và nhược điểm của người khác để trục lợi.

Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, Xuân được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”. “Xuân Tóc Đỏ không ngờ rằng, khi xưa, lúc nó ngồi đọc quảng cáo cho một hiệu thuốc vào máy phóng thanh,… thì chính là nó đã tập đi đến khoa học, và do thế, đến sự phú quý.”

Từ một kẻ không nơi nương tựa, vô học, hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, dần dà trở thành “vĩ nhân”, thành “anh hùng cứu nước”, được thưởng Bắc đẩu bội tinh, được mời vào hội Khai trí tiến đức. Những thành tựu này càng làm tăng thêm sự lố bịch và phi lý của một cộng đồng chỉ dựa vào những “giá trị rởm” trong tác phẩm.

Chưa kể, “Số đỏ” còn mạnh mẽ đả kích những phong trào được thực dân khuyến khích: phong trào “Âu hóa” nửa mùa, thể dục thể thao,… – đầy rẫy sự bát nháo, lừa lọc và sa đọa. Vũ Trọng Phụng tạo ra cả một xã hội hài hước, ai cũng buồn cười, ngớ ngẩn, ngô nghê, lố bịch như những con rối, từ hạng ông chủ bà chủ, thượng lưu trí thức, đến hạng bình dân.

Sự thành công của Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” không chỉ là tạo ra một tràng cười sâu cay, mà còn thể hiện ở việc đã xây dựng được những nhân vật trở thành điển hình về mặt tâm lý xã hội mà cho đến hôm nay vẫn còn hiện diện đâu đó quanh ta.

Bằng ngòi bút trào phúng, lối viết ngấu nghiến, nhịp điệu dồn dập, giọng văn phảng phất thái độ khinh miệt, thể hiện bất đồng quan điểm với hệ thống nhân vật cũng như bối cảnh xã hội đương thời, Số Đỏ lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đang chạy theo lối sống tân thời lố lăng đồi bại, bỏ quên lớp văn hoá Nho giáo trọng đạo truyền thống.

Chứng kiến những đổi thay của con người thời kì này, tác giả đả kích sâu cay các phong trào “Âu hóa”, “thể thao”, “giải phóng nữ quyền” đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh “văn minh”, “tiến bộ”, “cải cách xã hội”  mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nề nếp đạo đức của ông cha …

Vũ Trọng Phụng không hổ danh là bậc thầy trong mảng văn học hiện thực phê phán. Từng con chữ đến câu từ dưới bàn tay ma thuật ấy thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, vừa sắc nhọn, vừa mỉa mai, lại vừa chua chát.

Số Đỏ là một tác phẩm nên đọc để được cười nhiều kiểu: cười hài hước, cười mỉa mai, cười thẳng, cười đắng chát… Sau tiếng cười là để hiểu được xã hội Việt Nam ta trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử nước nhà.