Đã bao giờ bạn ngồi một mình, tự lục lại kí ức của mình và chợt mỉm cười chưa? Điều gì làm bạn nhớ nhất? Thật không phải quá đáng khi khẳng định rằng, trong những hồi ức ấy, có lẽ thời học sinh sẽ là một phần kỉ niệm khó quên trong mỗi chúng ta. Người ta vẫn thường nói: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Thời gian qua đi sẽ chẳng bao giờ quay trở lại, bởi vậy mà thanh xuân sẽ mãi là quãng thời gian tươi đẹp nhất, đặc biệt với những ai từng cắp sách đến trường, sẽ mãi là một thời để thương, để mơ, để nhớ. Cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ sẽ đồng hành cùng bạn, theo bạn trở về những tháng năm tươi đẹp đó, đánh thức những kí ức đẹp của một thời học sinh hồn nhiên, vô tư, trong sáng nhưng cũng không kém phần ngỗ nghịch với những kỉ niệm dở khóc dở cười!
Tác giả của cuốn sách là nhà văn Tetsuko
Kuroyanagi sinh
năm 1933 ở Tokyo. Bà đồng thời cũng là một diễn viên, một
ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản nổi tiếng, tác giả của những
cuốn sách cho trẻ em bán chạy nhất nước Nhật. Bên cạnh đó, bà còn đảm nhiệm vai
trò là cố vấn của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) và Đại sứ
thiện chí cho UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF), được nhận
giải Nobel vì hoà bình. Bà nổi tiếng trong những công tác từ thiện, là một
trong những nhân vật Nhật Bản đầu tiên được quốc tế công nhận. Năm 2006,
tác giả Donald Richie mô tả về Tetsuko trong cuốn Chân
dung Nhật Bản: “Hình ảnh những con người khác biệt”, bà còn được người đời biết đến với danh
hiệu cao quý “Người phụ nữ nổi tiếng và
được ngưỡng mộ nhất tại Nhật Bản.”
Totto-chan bên cửa sổ chính là cuốn tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko, là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Tác phẩm là những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu của chính tác giả khi được học tập, được lớn lên dưới ngôi trường Tomoe xinh đẹp. Với những tình huống dở khóc dở cười của cô bé hiếu động Totto-chan, tác phẩm không chỉ đem lại cho chúng ta tiếng cười vui thích thú, làm sống lại trong ta cả một thời học sinh tươi đẹp mà ai cũng từng trải qua mà hơn thế Totto-chan bên cửa sổ còn đem lại cho bạn những bài học cuộc sống ý nghĩa, đưa bạn đến với ngôi trường của một nền giáo dục hiện đại, một phương pháp giảng dạy tuyệt vời.
Tại sao tác phẩm lại
có tên là “Totto-chan bên cửa sổ”? – Ý nghĩa nhan đề.
Chắc hẳn có những độc giả sẽ có chút thắc mắc khi đọc tên tác phẩm này. Tại sao lại là Cô bé ngồi bên cửa sổ mà không phải là cái tên nào khác? Nhan đề này có điều gì đặc biệt hay sao? Đúng như vậy, theo tác giả, bà có ý định chọn nhan đề tiếng Nhật này từ một thành ngữ phổ biến nhiều năm nay đề cập đến những con người ở bên lề của sổ, có nghĩa là người ta đang ở trên mép cửa hay sắp bị đẩy ra ngoài giá lạnh. Đó đồng thời cũng chính là tâm trạng của Totto-chan trong những ngày em ở lại ngôi trường cũ, trước khi em chính thức bị đuổi khỏi trường khi vừa mới bước chân vào lớp một. Không chỉ là sự bắt đầu cho những câu chuyện về Totto-chan, nhan đề còn muốn truyền tải tới bạn đọc một ý nghĩa sâu xa: Kết thúc ấy chỉ là kết thúc của Totto-chan tại ngôi trường cũ thôi, kết thúc sẽ mở ra một cánh cửa mới cho em, một chiếc cửa sổ của hạnh phúc – trường tiểu học Tomoe!
Totto-chan – Một cô bé vừa hiếu động, vừa dũng cảm và đầy lòng
yêu thương.
Mẹ của Totto-chan biết rằng mình cần phải làm một điều gì đó.
Hành động của con gái bà như vậy là không hay đối với những học sinh khác. Bà
sẽ phải đi tìm một ngôi trường nào đó, nơi người ta có thể hiểu được cô con gái
bé nhỏ của bà, và dạy cho nó biết cách sống hoà hợp với người khác. Ngôi trường
bình thường kia không thể hiểu được con gái, bà thực hiện quyết định lớn nhất
của đời mình, bà xin cho em vào học tại Tomoe Gakuen của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.
Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có hơn năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan cả, thậm chí có cả những em bị khuyết tật nữa. Totto-chan rất vui vì em được đến học ở một ngôi trường đặc biệt như thế. Trước hết ngôi trường ấy có một thầy hiệu trưởng đã dành cả buổi sáng để nghe em kể chuyện. Tiếp đến em được ngồi học trong lớp học là những toa tàu cũ, được tự do làm điều mình thích. Mọi thứ của ngôi trường mới này không được trang hoàng như ngôi trường cũ kia nhưng không chỉ riêng gì Totto-chan mà tất cả các học sinh khác đều rất yêu trường và luôn gắn kết với ngôi trường Tomoe ấy. Vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe đều hoà hợp với nhau như anh em. Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Ở Tomoe không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.
Totto-chan
không biết tại sao mình lại phải chuyển trường và trong tâm trí non nớt kia, em
dường như không quan tâm đến điều đó nữa. Giờ đây, điều thôi thúc em nhất là
mong trời sáng thật nhanh để được đến trường, để được học tập và vui chơi cùng
các bạn. Ở ngôi trường mới cũng có bao kỉ niệm đẹp xảy đến và nó làm em nhớ
mãi. Em biết được rằng có những người bạn không được may mắn như mình, đó là
cậu bạn Yasuaki – cậu bị bại liệt cả tay và chân. Cậu bạn Yasuaki nhỏ bé, cơ
thể kém phát triển hơn những bạn đồng trang lứa, luôn bị học sinh trường khác
bắt nạt. Tottochan đứng về phía cậu ấy, bảo vệ và chở che. Cũng vì cơ thể như
vậy nên cậu chưa bao giờ trèo cây hay nhận một cái cây nào đó cho riêng mình.
Đó chính là lí do khiến Totto-chan mời bạn lên ngôi nhà cây của em. Thật khó
khăn để leo lên ngọn cây nhưng hai em không để ý đến việc mất bao nhiêu thời
gian để leo lên được, Totto-chan không mảy may quan tâm, em chỉ cố hết sức để
đẩy Yasuaki lên nấc thang cao nhất. Và với sức mạnh nhỏ bé của mình nhưng lòng
quyết tâm to lớn, em đã giúp Yasuaki leo lên cây.
Hơn thế, đó là
khi dù tốn 20 xu để mua vỏ cây đoán sức khoẻ theo lời rao của anh thanh niên
bán hàng rong bên vệ đường, dù vỏ cây ấy chẳng có công hiệu gì nhưng nó giúp em
biết quan tâm tới người khác, biết lo lắng khi ai đó kêu vỏ cây ấy đắng. Em chia
sẻ vỏ cây ấy với tất cả những người mà em gặp, kể cả con chó, con mèo em bắt
gặp trên đường, em vui sướng khi biết tất cả những người nếm vỏ cây đều không
thấy đắng, tức là họ đều đều khỏe mạnh cả. Sự quan tâm đó còn là giọt nước
mắt khi hai con gà của em bị chết. Phải năn nỉ mãi, em mới được bố mẹ mua cho
hai chú gà và đóng cho một chiếc lồng thật xinh. Nhưng chẳng được bao lâu, ngày
thứ tư một con không cử động được nữa và đến ngày thứ năm thì con kia cũng chết
nốt. Em chờ, chờ mãi mà không bao giờ thấy chúng mở mắt ra nữa. Totto-chan đào
một cái hố chôn hai chú gà con. Chưa bao giờ em thấy thích một điều gì đó trong
đời mà nó lại đi quá nhanh như vậy. Đây cũng chính là lần đầu tiên em cảm thấy
mất mát và li biệt đến thế!
Còn rất nhiều chuyện
khác nữa mà Totto-chan đã từng trải qua khi được học tại ngôi trường mới. Vui
có, đó là những lần cắm trại, những buổi học bơi, những chuyến tham quan cùng
nhà trường; buồn cũng có, đó là khi em làm rơi chiếc ví mình yêu thích xuống hố
phân, là khi người bạn Yasuaki của em qua đời, là khi chú chó Rocky – người bạn
thân nhất của em biến mất, là khi trường Tomoe bị phá huỷ,… Bao nhiêu nụ cười
đã nở trên môi, bao nhiêu giọt nước mắt cũng đã tuôn rơi trên khoé mắt. Những
kỉ niệm ấy cứ dạt dào, làm sống dậy cả một thời học sinh tươi đẹp, làm thổn
thức cõi lòng tác giả mỗi khi nhớ lại. Thật may mắn cho Totto-chan khi học ở
ngôi trường mới lý tưởng, ngôi trường đã giúp em phát triển bản thân một cách
tự nhiên. Ngôi trường Tomoe dạy em nhiều điều, những gì em làm giờ không còn
đáng lo ngại. Xuyên suốt cả cuốn sách là những bài học về sự sẻ chia, tình bạn,
tình thầy trò, tình yêu, ước mơ và hoài bão xoay quanh Totto-chan. Thời gian
thơ ấu của em cứ như vậy trôi qua rực rỡ. Đó là nền tảng cho một tương lai
vô cùng tươi sáng, một Tottochan dũng cảm, thành công, giàu lòng yêu thương.
Điều quan trọng nhất em vẫn là chính mình, được sống như em mong muốn, không
trộn lẫn với bất kì ai.
Học sinh được
tự do phát triển bản thân, các em tự thực hành nghiên cứu trong giờ học với sự
hỗ trợ của giáo viên, mỗi em lựa chọn học môn học mình yêu thích. Thầy hiệu
trưởng cùng các thầy cô luôn quan sát và hướng dẫn các em hoàn thành bài tập
cũng như những vướng mắc cuộc sống.
Phát triển kĩ
năng ở mọi thời điểm, các em được chơi đùa cả ngày. Những khuôn phép của một
trường học bình thường trở nên vô nghĩa, những định nghĩa giáo dục kiên cố trở
nên sét rỉ. Điều các em vui nhất là khi các em được học trong một toa tàu hỏa
cũ sạch sẽ và dễ chịu, hay khi cả lớp đều dùng phấn vẽ xuống nền một cách thoải
mái. Trong giờ ăn trưa các em được ăn những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và với tên
gọi đơn giản “Món của đất, món của biển”, nghĩa là có đủ hải sản và nông sản.
Cha mẹ vì thế mà không phải cầu kì, đắn đo suy nghĩ nên cho con mặc gì; chọn
món đồ đơn giản, bình thường là quá đủ để các em khám phá thế giới của riêng
mình.
Ở ngôi trường Tomoe này có một điều đặc biệt nữa, đó chính là ở nơi đây điểm số không phải là thước đo đánh giá cho sự nỗ lực của học sinh. Trường Tomoe đã chứng minh điều đó cho mọi người. Động lực để con người phát triển toàn diện là sự động viên, hướng dẫn của những người đi trước. Thầy Sosaku Kobayashi đã làm rất tốt việc này, ông cho những đứa trẻ một cuộc đời đúng nghĩa. Thành công của con người không thể xác định rõ, có lẽ có một cuộc sống ý nghĩa đã là điều thành công rồi. Để rồi đến khi thế chiến thứ hai xảy đến, ngôi trường bị ngập chìm trong biển lửa, tất cả mọi người, cả thầy hiệu trưởng, cả những giáo viên và tất cả các học sinh cũng như phụ huynh có con theo học tại trường Tomoe đều luôn có một lòng quyết tâm và niềm tin sẽ xây lại trường, họ sẽ gặp lại nhau vào một ngày không xa!
Kobayashi – người thầy hiệu trưởng kính mến của Totto-chan và cả
của những học sinh trường Tomoe, người mang đến cho ngôi trường một phương pháp
giáo dục hiện đại.
Người thầy vĩ đại ấy, người mà Totto-chan luôn tôn kính chính là Sosaku Kobayashi – hiệu trưởng trường Tomoe, một con người sống có lý tưởng, ông muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp gieo mầm sống. Con đường ông đi là bước đệm mang đầy tính sáng tạo và nhiệt huyết. Những đứa trẻ với ông là những thiên thần, việc dạy dỗ chúng đem lại niềm vui bất tận. Trong lần đầu tiên gặp Totto-chan, ông đó kiên nhẫn lắng nghe em kể tất tần tật mọi chuyện em có thể nhớ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, những chuyện tưởng chừng như vặt vãnh, trẻ con không đáng quan tâm, những chuyện mà ngay cả mẹ em hay cô giáo chủ nhiệm cũng chưa chắc đã đủ bình tĩnh để nghe em nói hết. Vậy mà thầy Kobayashi lại có thể ngồi với em trong một thời gian dài như vậy đủ biết ông tôn trọng và quan tâm đến những mầm non tương lai của đất nước đến nhường nào. Ông dùng phương pháp của mình để truyền kiến thức, tạo động lực, niềm tin cho những đứa bé trong ngôi trường Tomoe – và ông đã thành công với phương pháp ấy. Với Totto-chan, ông thường nói “Em biết đấy, em thật là một cô bé ngoan”. Chỉ một câu nói đơn giản thôi nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần to lớn với Totto-chan. Em luôn vì câu nói đó mà cố gắng nỗ lực, trưởng thành và tin tưởng vào bản thân.
Nhờ sự giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Mặc dù trường Tomoe chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi (1937-1945) rồi bị bom đạn của thế chiến thứ hai phá sập, toàn bộ học sinh luôn luôn khắc ghi ngôi trường trong ký ức của họ, đặc biệt là Totto-chan. Cô bé vẫn nhớ mãi lời thầy Kobayashi nói: "Em thật là một cô bé ngoan". "Nếu không học ở Tomoe, nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm và nhút nhát với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho". Nhà văn Tetsuko dành những trang cuối của tác phẩm để viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục hay những nghệ sĩ tài hoa nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì tất cả 50 con người tuyệt vời ấy vẫn luôn tự hào vì mình là học sinh trường Tomoe, là học trò của thầy hiệu trưởng Kobayashi!
Cha mẹ - Người bạn đồng hành, tài sản vô giá của Tottochan.
Cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện nhưng để thấu hiểu chúng thì không phải ai cũng làm được. Rất hiếm các bậc phụ huynh kiên trì với thế giới tâm hồn của những đứa trẻ, họ thường chú ý những yếu tố vật chất bên ngoài của con mình hơn. Đọc câu chuyện, người đọc có thể tự hỏi rằng, sẽ ra sao nếu khi biết tin Totto-chan bị buộc phải thôi học ở ngôi trường mới, mẹ em lại nói với em chuyện đó? May mà Totto-chan có một người mẹ tuyệt vời, bà hiểu và sẻ chia những băn khoăn của em bất kì lúc nào. Bà không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, thay vì nói em bị nhà trường đuổi học, bà khéo léo kể với em về việc chuyển đến một ngôi trường mới, bà không bao giờ kể cho em nghe về chuyện thôi học mãi đến sinh nhật lần thứ 20 của Totto-chan. Nếu như trước kia bà trách mắng Totto-chan thì em sẽ cảm thấy bất hạnh và lo lắng biết nhường nào. Và nếu vậy thì cổng trường với những bóng cây cùng những phòng học toa tàu kia sẽ chẳng thể làm em phấn khởi. Thật may vì em có một người mẹ như thế. Bà luôn lắng nghe, luôn thông cảm cho mọi vấn đề em gặp phải ngay cả việc em chơi đùa khiến quần áo rách bươm, khi em có những hành động khác thường. Đó là một cách giáo dục rất tiến bộ và văn minh, tình yêu của mẹ giúp Totto-chan luôn yêu đời, yên ổn trải qua những ngày tháng vui vẻ nhất.
Lời kết.
Gia đình – Nhà
trường – Xã hội chính là những nền tảng cốt yếu, đóng vai trò quan trọng trong
việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Trẻ em chính là những mầm non
tương lai của đất nước, hãy để các em được phát triển toàn diện nhất: “Các em biết không, tất cả các em đều là
một! Bất kể các em làm gì, các em đều là một trên thế giới này”. Những câu
chuyện nhỏ trong cuốn sách Totto-chan –
Cô bé bên cửa sổ là chuyện về những người thật, việc thật có trong chính
cuộc đời tác giả. Totto-chan chính là
câu chuyện về một nền giáo dục trong mơ, về một phương pháp giáo dục mà mọi trẻ
em hằng mong muốn. Những gì đã trở thành chuẩn mực thì khó mà có thể thay đổi
được, nhưng những thế hệ đi trước hãy làm những điều tốt nhất có thể, hãy để
trẻ em có nhận được sự tự do và sống đúng với đam mê của chính mình!
Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin
thú vị về sách tại link: Bookademy
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
Câu chuyện không thực sự cuốn hút tôi cho đến tám mươi trang cuối cùng. Tôi không thấy lý do gì để không thích nó, dù nó là một câu chuyện văn học thiếu nhi và chứa tất cả các yếu tố tôi thích, như ký ức tuổi thơ của nữ chính và những sự kiện diễn ra ở một quốc gia mà tôi chưa đọc nhiều văn học “Nhật Bản”, và thời kỳ Thế chiến II với những sự kiện đủ để tạo nên một tinh thần đặc biệt cho bất kỳ tiểu thuyết nào. Tất cả những yếu tố này hoàn toàn có khả năng khiến cuốn sách này trở thành một trong những cuốn sách yêu thích của tôi. Nhưng tôi cảm thấy buộc phải hoàn thành nó mà không có chút hứng thú nào khi đọc.