Chúng ta đều sẽ đi xa và rồi sẽ có một lúc nào đó chúng ta nhận ra mình nhớ nơi từng trưởng thành vô cùng.
Thường thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà?
Tôi đã không ít lần tự hỏi mình điều đó, mặc dù cũng như bạn, tôi biết rằng câu trả lời đơn giản là "tùy cảnh tùy người".
Nhưng tôi vẫn luôn hỏi mình câu đó, khi này khi khác...khi tôi sắp đi đâu xa, hay khi có ai đó sắp đi đâu xa. Tôi biết một người vừa bước chân khỏi nhà đã nhận ra nỗi nhớ.
Tôi cũng biết một người khác, mê mải dặm đường hai mươi năm, đến một chiều kia nhìn thấy trái xoài rụng ở Hawaii mới thực sự nhận ra nỗi nhớ nhà. Mà phải là trái xoài rụng xanh, chứ hai mươi mấy năm ăn xoài ngon xứ lạ mà có thấy nhớ nhung gì đâu.
"Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?". Thật ra, câu hỏi đó còn có một ý nghĩa khẳng định khác. Rằng, trước hay sau, bất cứ ai rồi cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà.
Tôi biết nhiều bạn trẻ, rời làng quê ra thành phố học đại học rồi ở lại lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp, và đầy niềm vui, thậm chí tràn trề hạnh phúc. Nhưng điều đó không ngăn được họ nhớ nhà.
Chỉ có điều...khi về lại nơi mình hằng tưởng nhớ, họ nhận ra tất cả đã đổi thay. Những con đường cũ. Mái hiên xưa. Cả những người thân yêu. Và chính họ...Đôi khi sự thay đổi mạnh mẽ đến nỗi không thể nào chấp nhận, và họ nhận ra mình không thể sống ở nơi chốn xưa được nữa.
Điều kỳ lạ là khi trở lại với thành phố, họ vẫn nhớ nhà.
Chúng ta đó. Người trẻ, người già. Chúng ta đều vậy cả.
Đôi khi, chúng ta tưởng nhớ nỗi nhớ nhà liên quan đến con người. Nhưng không phải thế. Chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến món ăn hay cảnh vật. Nhưng không phải thế. Không phải là những gì hiện hữu, không phải những gì có thể gọi tên. "Nhà" ở đây là một khái niệm khó định nghĩa. Đi càng xa thì khái niệm nhà càng rộng. Và nỗi nhớ sẽ càng thêm mênh mông.
Edgar Watson Howe cũng nói: "Cảm giác tệ nhất trên thế gian chính là nỗi nhớ nhà đến thường xuyên với một người, khi anh ta đang ở nhà".
Cảm giác ấy, tôi cũng từng trải qua. Ở Sài Gòn, và tôi vẫn không nguôi thương nhớ Sài Gòn. Như một nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà là một căn bệnh nan y. Giống như chứng đau nhức xương, nó dậy lên mỗi khi trời trở gió.
Điều đáng nói là, chúng ta nên giữ nỗi nhớ nhà như một ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức, để dành khi khát trên chặng đường xa, thay vì đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nỗi nhớ, ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cây.
Tôi biết rằng một khi ta đã cảm thấy nhớ nhà, lòng ta sẽ khác. Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu. Yêu thương một người, một gia đình, một làng quê, một thành phố hay một đất nước ..
Đó chính là lý do mỗi chúng ta đều cần trải qua cảm giác nhớ nhà. Và để có cảm giác đó, chúng ta phải ra đi. Bạn có thể dễ dàng trở về, cũng có thể khó quay trở lại.
Bạn có thể tìm lại những cảm xúc xưa cũ sau rất nhiều năm tháng, cũng có thể không. Khả năng thứ hai thường xảy ra hơn. Nhưng hãy bình tâm, bởi Helen Keller nói đúng, rằng: "Những điều tốt nhất và đẹp nhất trong thế gian này thì không thể nhìn thấy hay chạm đến được - chúng phải được cảm nhận bằng trái tim".
Nếu như bạn nhớ nhà, hãy nhận ra rằng đó chính là yêu thương, và hãy để nó là yêu thương, chứ không phải luyến tiếc, tủi hờn hay oán giận. Bạn biết chăng, nỗi nhớ nhà sẽ khiến bạn nhận ra rằng chúng ta luôn có thể yêu thương từ một nơi rất xa. Và tình yêu thương, cho dù là yêu một ảo ảnh của hạnh phúc, thì vẫn luôn là một khởi đầu đẹp đẽ..
Một ngày nào đó khi bạn đi xa bạn sẽ biết đáp án chính xác cho câu hỏi "Mất bao lâu để bạn cảm thấy nhớ nhà".
Tác giả: Lê Trang - Bookademy
---------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt
"Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn" là một tập tản văn của Phạm Lữ Ân (bút danh chung của hai tác giả Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy), tập hợp những bài viết sâu sắc về cuộc sống, tình yêu, tuổi trẻ và sự trưởng thành. Cuốn sách mang tính triết lý nhẹ nhàng, đầy chiêm nghiệm, là sự kết hợp hài hòa giữa những câu chuyện đời thường và những bài học sâu sắc.
Tác phẩm được viết với văn phong giản dị, gần gũi nhưng lại đầy cảm xúc, khơi gợi những suy nghĩ sâu xa trong lòng người đọc. Nó phản ánh những cảm xúc và trăn trở mà bất kỳ ai cũng từng trải qua trong đời: niềm vui, nỗi buồn, hy vọng, và cả những day dứt về sự hữu hạn của thời gian.
Nội dung chính của cuốn sách xoay quanh những câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa trong cuộc sống, nhắc nhở độc giả rằng cuộc đời là hữu hạn, và vì thế, ta nên trân trọng những khoảnh khắc bên những người thân yêu, cũng như sống một cuộc đời ý nghĩa. Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối diện với chính mình, học cách chấp nhận và yêu thương, và tìm kiếm hạnh phúc trong những điều giản dị.
Thông điệp chính mà cuốn sách gửi gắm là: "Nếu biết đời người chỉ là hữu hạn, hãy sống trọn vẹn từng phút giây, yêu thương và chân thành, bởi chúng ta không thể quay lại hay thay đổi những điều đã qua." Đây không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là động lực để sống tốt hơn, trân trọng hơn hiện tại và những mối quan hệ xung quanh.
Cuốn sách đặc biệt ở chỗ không chỉ dành cho một đối tượng cụ thể mà phù hợp với nhiều độ tuổi. Người trẻ sẽ tìm thấy những bài học định hướng trong cuộc sống, trong khi người trưởng thành sẽ cảm nhận được sự đồng cảm và hồi tưởng về những năm tháng đã qua. Với lối viết dung dị, gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc, "Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn" đã trở thành một cuốn sách gối đầu giường của nhiều độc giả yêu thích sự chiêm nghiệm và ý nghĩa trong cuộc sống.