Đã bao nhiêu lần bạn tự hỏi về sự tồn tại của bản thân trên thế giới này? Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình chìm trong những ý nghĩ tiêu cực nhất. Đã bao nhiêu lần bạn bỏ lỡ cơ hội đáng lẽ thuộc về bạn? Cuốn sách "Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi" của tác giả Takeshi Furukawa sẽ giúp bạn giải đáp những khúc mắc đó!
Các bạn đừng để bị lừa bởi cái tên, bạn sẽ phải thất vọng vì tựa đề quyển sách này không chút liên quan gì với nội dung bên trong. Chắc hẳn người dịch và công ty phát hành tại Việt Nam đặt một tựa đề nghe dễ dàng vui vẻ như vậy chỉ để câu kéo người đọc trẻ. Mình lúc đầu đã nghĩ rằng quyển sách này sẽ nói về lối sống xanh, tối giản của người Nhật nhưng ai ngờ, mở sách ra là bị ngộp liền. Đây đích thực là loại sách self - help điển hình. Tác giả sẽ đưa ra 9 thói quen để giúp người đọc xây dựng một lối sống tích cực hơn.
Có hai cách để bạn đọc quyển sách này. Một là đọc 9 thói quen theo trật tự sắp xếp và hai là đọc tập trung vào các điểm yếu của bản thân mình. Bạn hãy chọn cách đọc nào phù hợp với mình nhất rồi áp dụng những nội dung đó nhé. Hãy biến tri thức ở trong sách thành trí tuệ của bạn.
Chương I: Chấp nhận toàn bộ con người mình
Mỗi người chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, bởi vậy khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta không chỉ thấy “khoảng cách” giữa mọi người mà còn thấy được “sự khác biệt” trong mỗi người. Khi một người đánh giá thấp bản thân, anh ta sẽ tự giày vò bản thân bởi cảm giác tự ti, chán ghét và chỉ nhìn mọi chuyện theo hướng tiêu cực. Nếu bạn như vậy, hãy bắt đầu hình thành thói quen nhìn nhận ưu điểm của bản thân. Hãy tạm thời bỏ qua tiếng nói muốn thay đổi trong đầu. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận suy nghĩ bao dung rằng “đó cũng là con người mình mà” và bình tĩnh ngồi xuống xác định rõ phương hướng của mình là gì để hạnh phúc với chính bản thân khi đang trưởng thành.
Chương II: Thay đổi cách nhìn chứ không thay đổi người khác
Chúng ta luôn có xu hướng thích những người có cùng quan điểm với bản thân và xa lánh những người có cách suy nghĩ khác mình. Tuy nhiên trong công việc, sự kết hợp giữa những người có gia trị quan khác nhau mới có thể tạo ra hiệu quả lớn. Tác giả gợi ý bạn đọc có thể đứng ở vị trí của đối phương suy nghĩ, bạn sẽ thấy thế giới này khác lạ đến kinh ngạc. Mỗi ngày bạn hãy cho đi thứ gì đó, những lời khen cho mọi người xung quanh chẳng hạn, cuộc sống bạn sẽ hạnh phúc hơn đấy. Mình gọi đó là Sức mạnh của sự sẻ chia. Nhưng cho đi thì cũng không được quên yêu thương bản thân mình, nếu bạn gặp phải các rắc rối như: bị gọi điện vào thời điểm không tiện, bị bắt phải chờ đợi, … Trong trường hợp này, cách giải quyết yêu cầu đối phương không vượt qua giới hạn đã thỏa thuận của mình đưa ra do Furukawa đưa ra là hợp tình hợp lí nhất.
Chương III. Cụ thể hóa một cách triệt để
Cuộc sống là những chuỗi vấn đề nối tiếp nhau và đôi khi chúng ta sẽ luôn bị xoay quanh những cảm xúc khó chịu, giận dữ, bất an… những cảm xúc ấy cứ tích tụ dần theo một chu kỳ luẩn quẩn giống như một quả cầu tuyết. Nhưng bằng cách viết ra những cảm xúc của bản thân một cách trung thực và phân tích những cảm xúc mơ hồ đó sẽ giúp bạn nhìn nhận một cách khách quan cảm xúc của mình và cách thay đổi nó sao cho thích hợp. Ví dụ như “Một ông chủ đáng ghét, lúc nào cũng chỉ biết càu nhàu” sau đó phản bác lại ý kiến đó “Cách nói chuyện hơi cay nghiệt, nhưng thực sự là bản thân mình không sai sao?”. “Ông ấy càu nhàu vì bản thân mình cũng không cải thiện được những lỗi của mình còn gì”…, phân tích nó. Cứ như vậy, khi bạn tìm ra được nguyên nhân này, bạn sẽ thấy vui vẻ, lạc quan hơn. Cuối cùng thì xây dựng kế hoạch hành động thật cụ thể.
Chương IV: Nhìn nhận mọi việc từ mọi góc độ
Nhiều lúc, bạn sẽ bị lấn át bởi những cảm xúc thái quá, tầm nhìn hạn hẹp và chìm trong lo sợ. Và nếu bạn bị cuốn quá sâu vào sự việc lúc đo, bạn sẽ không thể nhìn nhận rằng những việc ấy chỉ là một trong vô số sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Nếu bạn có thể nhìn bản thân từ góc độ bên ngoài, nỗi sợ hãi đó sẽ giảm đi một cách đáng kể đấy.
Một phương pháp của tác giả Furukawa đưa ra trong chương này mà mình thấy ấn tượng nhất phương pháp “Đặt mình vào vị trí của người mà bạn ngưỡng mộ, kính trọng”. Đầu tiên, liệt kê danh sách những người đó và tưởng tượng mình là chủ trì hội nghị của những người nổi tiếng. Làm như vậy trong khoảng 15 phút, bạn sẽ dần tìm được một vài ý tưởng tốt.
Chương này toàn những tips hay ho thôi ấy, bạn hãy nhanh tay tìm đọc đi nha!
Chương V: Tập trung vào những việc bạn có thể làm được
Có lẽ đây là cái chương mà mình thấy nội dung nó hợp với cái tên sách nhất trong tất cả các chương. Ở chương này, Furukawa sẽ chủ yếu đề cập đến Phân loại những việc “làm được” và “không làm được”. Cái gì không làm được thì bỏ qua luôn. Còn khi đã biết mình có thể làm được điều gì, hãy chuyển sang hành động ngay lập tức, đừng chần chừ.
Những “chiếc phanh” ngăn cản chúng ta bước vào vùng nguy hiểm chính là những suy nghĩ như sau: “Dù làm gì cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa”, “nó quá sức với mình”, “sợ thất bại”, “dù mình không làm thì cũng có người khác làm”…
Cảm giác đắn đo bắt nguồn từ việc bên trong con người mình có một phần nào đó muốn thực hiện. Nếu là như vậy thì trong cuộc đời ngắn ngủi này, tôi muốn được hối hận vì đã làm hơn là hối hận vì không làm.
Nếu đắn đo, hãy hành động! Để bản thân có thể trưởng thành hơn, bạn cần phải dỡ bỏ hết những chiếc phanh gậy cản trở ấy đi. Dù là chuyện to tát đến đâu đi chăng nữa, chỉ cần bạn hành động nhằm hướng đến giải quyết vấn đề thì bạn có thể giữ được hy vọng cho bản thân và trung hòa được nỗi lo lắng thường trực.
Chương VI: Chấp nhận số phận
Đây là chương mà mình thích nhất trong quyển sách này.
Tác giả mở đầu với một ví dụ rất ý nghĩa. Kawai Junichi là vận động viên đoạt huy chương vàng tại thế vận hội dành cho người khuyết tật Atlanta Paralymoic. Anh bị khiếm thị từ khi lên lớp 9. Nhưng Kawai Junichi không hề khắc phục nó mà đã bắt đầu cuộc sống từ việc chấp nhận những khiếm khuyết ấy như một phần thân thể của mình.
Trên đời này vốn không có cái gì gọi là công bằng hay chơi đẹp cả. Con người càng trải qua những chuyện vô lý thì, càng trải qua những chuyện bất công thì càng được tôi luyện và mạnh mẽ hơn.
Nâng cao khả năng chấp nhận những chuyện bất khả kháng chính là một biện pháp để bản thân mạnh mẽ hơn trước những căng thẳng, sức ép của cuộc sống. Nếu cuộc đời này chỉ toàn niềm vui thì thật không còn gì bằng, nhưng thực tế, chờ đón ta vẫn còn rất nhiều chuyện đau khổ cùng cực như thất tình, bị phản bội, công ty phá sản, đối diện với cái chết, mắc bệnh hiểm nghèo, gặp tai nạn... Chính vì thế, chúng ta cần phải sẵn sàng cho những thử thách bất cứ lúc nào.
Ngạn ngữ Trung Quốc đã có một câu “Tái ông thất mã”. Nó có ý nghĩa: Trong cuộc đời này, điều gì mang đến may mắn, điều gì gây ra bất hạnh, chúng ta đều không lường được. Vậy nên, nếu những chuyện gì đã thuộc về quá khứ và không thể thay đổi được, bạn hãy chấp nhận chúng.
Cuối cùng tác giả đưa ra một nhận định mà chúng ta luôn gặp phải hàng ngày: Trên thế giới này, vốn có rất ít chuyện có thể theo ý của mình nhưng lúc còn trẻ chúng ta lại không thể lý giải điều đó. Có thể bạn đang cảm thấy thất vọng tràn trề với những công việc bàn giấy, với những quy tắc khó hiểu, với những quyết định bất công của cấp trên. Tuy nhiên, xét về mặt tổ chức, những điều kiện, môi trường đó có vai trò quan trọng để tạo nên thành công lớn nhất.
Vậy những người có tâm lý vững vàng, những người thành đạt thường làm gì? Họ đều luôn cố gắng hết sức trong phạm vi mà điều kiện, môi trường cho phép. Mình có biết một câu nói rất hay: Bloom where God has planted you. Tại những vị trí mà bạn được đặt vào, có những chuyện bạn không thể tự quyết định được. Nhưng đó là vị trí Chúa đã chọn bạn, thế nên hãy chấp nhận số phận của bản thân và tạo cho đời những bông hoa đẹp nhất.
Hơn nữa, tác giả cũng có một cái nhìn rất hài hước về một tương lai không chắc chắn. Tác giả khuyên ta hãy cứ sống đi, không nên bó buộc trong những mục tiêu.
Bản thân anh đã có mục tiêu cho mình rồi đúng không? Có mục tiêu cũng giống như mình đã thấy đỉnh núi. Vậy thì hãy đi theo con đường ngoằn nghèo. Nếu ta cứ tiến thẳng từ chân núi thì cũng sẽ leo được lên đỉnh thôi, nhưng nếu ta đi theo con đường ngoằn nghèo, ta sẽ học được những điều khác nữa từ những con đường vòng ấy.
Việc không có kế hoạch không hẳn là tốt, nhưng nếu bạn có thể thoải mái thưởng thức, chờ đón những điều bất ngờ phía trước thì bạn cũng sẽ thấy rất tuyệt vời với những cơ hội mà mình có được.
Chương VII: Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Hoàn hảo không hẳn là một điểm xấu mà cũng không hẳn là một điểm tốt. Nhưng những người theo đuổi chủ nghĩa này sẽ thường xuyên cảm thấy áp lực, căng thẳng và nhiều lúc còn dẫn tới trầm cảm hay những bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh. Với mindset này thì ông Furukawa đưa ra những phương pháp sau rất hữu dụng mà mọi người có thể áp dụng để có khắc phục được điểm này.
- Cố gắng linh hoạt trong cách nghĩ. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường rất nghiêm khắc với bản thân, họ đạt được những thành tựu lớn và cũng được người xung quanh đánh giá cao. Chính vì vậy, họ rất bận tâm nếu bản thân thay đổi những suy nghĩ này như: làm thế có nuông chiều bản thân không, như vậy có giảm chất lượng công việc hay làm phiền đồng nghiệp không… Thay vì luôn tâm niệm “không được phép thất bại”, bạn có thể tự nhủ lòng mình rằng “không cho phép thất bại khi chưa cố gắng hết sức”.
- Xây dựng vùng xám. Những người có suy nghĩ rạch ròi luôn yêu cầu mọi chuyện tuyệt đối, dẫn đến họ buộc bản thân phải tiêu hoa quá nhiều năng lượng. Chỉ cần có một chuyện không như ý, họ sẽ đánh giá thanh quả là thất bại và thấy chán ghét bản thân mình mà không nhìn thấy điểm tốt trong đó nữa. Bạn cần đặt mục tiêu bằng cách linh hoạt tùy theo từng trường hợp, ví dụ như không cần phải hoàn thiện 100% công việc, nhưng cũng có trường hợp phải yêu cầu 120% chất lượng chẳng hạn.
- Xác định rõ mục tiêu cuối cùng. Không những thế, họ thường tập trung ý thức để hoàn thành các khâu trong quá trình một cách hoàn hảo mà lại quên đi mục đích cuối cùng. Trường hợp này, bạn nên thường xuyên tự vấn lại bản thân xem “mục đích của mình là gì?” thì sẽ không lãng phí thời gian cho nhiều chuyện vô nghĩa khác.
- Thay đổi từ chủ nghĩa hoàn hảo sang chủ nghĩa tối ưu. Điều quan trọng là phải biết tập trung tâm trí để làm nên kết quả tốt và vứt bỏ những thứ dư thừa. Trong quá trình lập kế hoạch, bạn cũng cần tính đến nên giản lược hóa thứ gì…
- Tiến hành trên ý tưởng của Microsoft. Ý tưởng phát triển của Microsoft là “tung ra sản phẩm vẫn chưa hoàn hảo, xử lý, khắc phục các lỗi trong quá trình người dùng sử dụng và phát hiện, cuối cùng hoàn thiện thành một hệ thống tối ưu nhất”. Không như các nhà sản xuất khác sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra khắc nghiệt nhất cho đến khi hoàn hảo nhất mới tung ra thị trường. Hãy cứ thử đi, đừng sợ thất bại.
Chương VIII: Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực
Bạn hãy nhớ, trong mỗi một kinh nghiệm đều có chứa những việc bạn đã làm tốt và không làm tốt. Điều quan trọng là hãy tạo cho mình thói quen nhìn nhận lại sự việc một cách khách quan để biến thất bại thành những kinh nghiệm.
Ngoài ra, tác giả còn chỉ ta cách “Tin tưởng rằng những thử thách đều có thể vượt qua”. Bạn hãy nhớ lại ba khó khăn đã gặp phải và nhớ lại những điều đã đạt được từ đó. Có cái nhìn tích cực về quá khứ cũng sẽ giúp bạn xây dựng được một niềm tin vào tương lai. Không có cơn bão nào không tan, không có đêm nào mà bình minh không đến!
Chương IX: Sống cho giây phút hiện tại
Trong các triết lý của Thiền hay các sách nói về phương pháp giải tỏa căng thẳng đều đề cập đến tính thiết yếu của việc sống cho hiện tại. Theo tác giả, để có thể sống một cách bình an ở hiện tại, bạn nên:
- Thức tỉnh lại tinh thần thiền đạo trong mình.
- Kiểm soát vị trí tập trung của ý thức.
- Nhưng trước hết, hãy làm trong thời gian thử nghiệm.
- Đây có lẽ là điều rất khó cho các bạn, Xa cách điện thoại một chút.
- Cuối cùng, nhìn xuống chân và bước tiếp trong bão giông. Hãy cố lên!
Kết
Lời tác giả: Yêu thiên nhiên là yêu cả những ngày nắng, ngày âm u và ngày mưa bão. Hay nói cách khác, yêu cuộc đời là yêu cả những ngày vui vẻ, ngày đau khổ và cả những ngày tuyệt vọng.
Theo cảm nhận của mình, đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách, đây có thể được coi như một liều thuốc tinh thần mỗi khi bạn cần đến. Cuốn sách giúp bạn nhìn thấy được bản thân của mình và tự tìm câu trả lời cho những vấn đề về tâm lý, cảm xúc bạn luôn mắc phải trong cuộc sống. Tác giả cũng đưa ra nhiều ví dụ về các vận động viên, doanh nhân và giải thich bằng hình ảnh nên rất dễ hiểu, không khô khan hay chỉ là lí thuyết suông. Và bạn biết đấy, tất cả mọi thứ được viết theo một góc nhìn của một người Nhật Bản. Mình tin rằng cuốn sách sẽ có một đóng góp không nhỏ nếu bạn muốn xây dựng những thói quen để sống hạnh phúc. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!
Review chi tiết bởi Excelsior - Bookademy
Deal mua sách giá tốt hiện có: https://bit.ly/2HHu6rh
------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Cuộc sống vốn dĩ đầy những thăng trầm, và cảm xúc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đó. Chúng ta trải qua đủ loại cảm xúc, từ vui mừng, phấn khích đến buồn bã, tức giận. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách quản lý tốt những cảm xúc của mình. Cuốn sách "Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi" của tác giả Takeshi Furukawa đã cung cấp cho chúng ta những góc nhìn mới mẻ và những phương pháp thực tế để đối diện và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả.
Tác giả đã sử dụng hình ảnh chú cá để minh họa cho việc sống một cuộc sống tự do, không bị ràng buộc bởi những cảm xúc tiêu cực. Giống như một chú cá luôn tìm cách thích nghi với môi trường xung quanh, chúng ta cũng cần học cách thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống và đối mặt với những cảm xúc khác nhau.
Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là cách tác giả giúp chúng ta nhận biết và chấp nhận cảm xúc của mình. Thay vì cố gắng kìm nén hoặc phủ nhận những cảm xúc tiêu cực, chúng ta nên đối mặt với chúng một cách thẳng thắn. Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân của những cảm xúc đó, chúng ta có thể tìm ra cách giải quyết hiệu quả.
Tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống trong hiện tại. Khi chúng ta quá lo lắng về tương lai hoặc quá nuối tiếc về quá khứ, chúng ta sẽ dễ bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì đang diễn ra ở hiện tại và tận hưởng từng khoảnh khắc.
Cuốn sách cũng cung cấp những bài tập thực tế giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc. Ví dụ, chúng ta có thể viết nhật ký để ghi lại những cảm xúc của mình, hoặc thực hành thiền để thư giãn và giảm căng thẳng.